Trước bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, cộng với việc tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023 đã khiến người tiêu dùng lo lắng về giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Tuy nhiên, các ngành chức năng, hệ thống phân phối, bán lẻ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bình ổn thị trường cũng như kích cầu tiêu dùng cho những tháng cuối năm.
Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa nỗ lực bình ổn giá cả mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, thời gian qua thị trường hàng hóa nhìn chung ổn định, lạm phát được kiểm soát nên không có quá nhiều biến động. Có một số mặt hàng thiết yếu chỉ tăng từ 5 – 10%, như: lương thực, thực phẩm, rau, củ, thịt bò, cá, gạo… và một số mặt hàng có sức mua cao như bột giặt, dầu gội, sữa tắm… nhưng sau đó đã ổn định trở lại. Hiện nhiều đơn vị đang tích cực tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng, trong đó giảm giá trực tiếp cho các mặt hàng thiết yếu để bình ổn giá cả hàng hóa chung trên thị trường. Đơn cử như Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa, trung bình một tháng sẽ đổi mới chương trình giảm giá một lần để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. Trong tháng 11, siêu thị đã chạy chương trình “tuần lễ siêu sale” từ ngày 6/11 đến ngày 12/11 với nhiều sản phẩm thiết yếu như: dầu ăn, gạo, giấy vệ sinh… đồng giá từ 11.000 đồng, 100.000 đồng, 111.000 đồng… Các hóa đơn từ 400.000 đồng sẽ được mua 1 sản phẩm đồng giá bất kỳ. Ngoài nỗ lực ổn định giá cả bằng hình thức trực tiếp, siêu thị còn đẩy mạnh giảm giá và tặng quà khi khách hàng đặt hàng và thanh toán qua ứng dụng zalo pay. Đặc biệt, mỗi đơn hàng thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu sẽ được giảm 3%, tối đa 50.000 đồng.
Khảo sát thêm tại một số siêu thị khác, giá các mặt hàng thiết yếu đã có nhiều dấu hiệu giảm. So với trung tuần tháng 10, một số mặt hàng như: mì gói, dầu ăn, trứng gà, sữa đã giảm giá từ 10 – 15%. Tại hệ thống siêu thị GO! Thanh Hóa, dầu đậu nành Simply giảm từ 324.000 đồng xuống còn 261.000 đồng/can; nước mắm Nam Ngư loại 4 lít giảm từ 70.000 đồng xuống 61.000 đồng; nước giặt chỉ còn 171.000 đồng/túi 3,2kg, hay các sản phẩm tiết kiệm hơn từ thương hiệu của GO! đều được siêu thị giới thiệu đến người tiêu dùng với mức giá siêu hời.
Đại diện siêu thị cho biết, ngay từ lúc các nhà sản xuất, đơn vị cung ứng có thông báo giảm giá hàng hóa thì phía siêu thị cũng đã chuẩn bị giá mới để bổ sung lên kệ hàng ngay. Thông thường, công tác điều chỉnh giá từ vài tuần nhưng hiện giờ chỉ khoảng 5 – 7 ngày, các mặt hàng tươi sống thì cập nhật theo ngày.
Ngoài hệ thống siêu thị, tại khu vực chợ truyền thống, giá cả các loại hàng hóa thiết yếu cũng tăng nhẹ vào tháng 7 và 8. Tuy nhiên thời điểm hiện tại đã bình ổn lại. Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Điện Biên vào mùa cao điểm tháng 6, 7, 8, giá thịt lợn thăn, ba chỉ, nạc vai… ở mức 140 – 150.000 đồng/kg, tăng nhẹ 10.000 đồng/kg so với các tháng trước đó. Giá các loại gạo cũng tăng nhẹ từ 10 – 15.000 đồng/yến tùy loại; các mặt hàng hoa quả như cam, dưa hấu, nho, táo… cũng tăng nhẹ 5%. Theo chị Lê Thị Hạnh, tiểu thương tại chợ chia sẻ: “Vào 3 tháng hè, không riêng gì thịt lợn, lượng tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng tăng mạnh khiến giá cả nhập vào tăng đáng kể. Tuy nhiên, để giá cả hàng hóa được ổn định, tôi và các tiểu thương khác trong chợ đã cố gắng tăng giá ít nhất có thể, chấp nhận giảm lãi để giúp người tiêu dùng vơi bớt áp lực về giá cả. Bởi khách hàng của tôi hầu hết đều là khách quen và là công nhân lao động, thu nhập thấp nên việc tăng giá quá nhiều sẽ mất khách”.
Với nhu cầu mua sắm cao của người tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng 10 tháng năm 2023 đạt 110.639 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả này, ngành công thương cũng đã theo dõi sát sao diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong tỉnh điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng thêm các phương án để dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cho các mặt hàng thiết yếu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, đơn vị phân phối triển khai các chương trình bình ổn thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân, nhất là trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Bài và ảnh: Chi Phạm