Trong “Chiến tranh phá hoại miền Bắc”, cầu Đò Lèn là một trong những mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ và nơi đây đã trở thành “tọa độ lửa”. Với tinh thần giữ cho “mạch máu” giao thông nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam thông suốt, những chàng trai, cô gái dân quân “tay cày, tay súng” của huyện Hà Trung đã dũng cảm vượt mưa bom, bão đạn, bám đất, bám làng, bám trận địa chiến đấu, canh bầu trời, bảo vệ cầu Đò Lèn.
Khu Di tích lịch sử văn hóa Đò Lèn chiến thắng, thuộc địa bàn thị trấn Hà Trung (Hà Trung).
Theo các tư liệu lịch sử, đầu năm 1965, đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và ồ ạt đưa quân vào miền Nam. Đồng thời mở rộng “Chiến tranh phá hoại miền Bắc”, bằng không quân nhằm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Khi cho máy bay đánh phá vào Thanh Hóa, không quân Mỹ đã xác định cầu Hàm Rồng, Đò Lèn, phà Ghép là “điểm tắc lý tưởng” trên con đường chi viện Bắc – Nam. Trong đó, Đò Lèn – “cuống phễu” của “mạch máu” giao thông hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam là mục tiêu đánh phá, hủy diệt của không quân Mỹ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những trận đánh của quân và dân Hà Trung bảo vệ cầu Đò Lèn đã tạc ghi vào lịch sử dân tộc. Ở tuổi gần đất xa trời, đếm ngược thời gian nhưng ông Phạm Hồng Sỹ – người trực tiếp phụ trách, chỉ huy Trung đội dân quân Hà Ngọc chiến đấu bảo vệ cầu Đò Lèn năm xưa vẫn nhớ như in những phút giây đối đầu với máy bay Mỹ bảo vệ dân làng, giữ vững huyết mạch giao thông Bắc – Nam. Ông Sỹ bồi hồi đánh thức những dòng ký ức: Tối 2/4/1965, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thông báo địch sẽ đánh phá vào cầu Hàm Rồng và một số cầu dọc Quốc lộ 1A. Đồng thời nhắc nhở “phải đánh chắc, đánh trúng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch, bảo vệ được mục tiêu, tiết kiệm đạn dược. Không quân sẽ cùng quân và dân Thanh Hóa tham gia chiến đấu”.
Sau khi nhận được điện, Huyện ủy Hà Trung tổ chức cho bộ đội địa phương và dân quân tự vệ khu vực cầu Đò Lèn kiểm tra súng đạn, củng cố quân sự, hầm hào, bố trị các trận địa sẵn sàng chiến đấu. Cùng với các xã Hà Phong, Hà Lâm, Hà Bình, Hà Ninh, thị trấn Hà Trung, Nhân dân xã Hà Ngọc đã cùng nhau bắt tay vào việc hoàn thiện hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn. Lúc này, ở các làng, việc tập dượt báo động sơ tán, cứu tải thương binh, chữa cháy, chống sập hầm đã được tổ chức liên tục nhằm giúp Nhân dân thích ứng và xử lý kịp thời với mọi tình huống. Để tăng cường sức mạnh trong thế trận chiến tranh Nhân dân, ngoài trung đội dân quân cơ động mạnh ngày đêm trực chiến trên trận địa, riêng làng Kim Liên có 2 trung đội vì còn phải làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Đò Lèn. “Đúng như dự đoán, sáng 3/4/1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng chục tốp máy bay tập trung đánh phá cầu Đò Lèn với mục đích cắt đường tiếp tế trước khi đánh phá cầu Hàm Rồng. Lúc đó, tôi đang dự họp ở trên huyện, tức tốc chạy bộ từ ga Lèn về trận địa để chỉ huy trung đội dân quân chiến đấu. Cả trận địa ngập khói bom, nhiều đoạn công sự quanh khu vực cầu Đò Lèn bị phá vỡ và nhiều chiến sĩ bị thương, hy sinh ngay trên mâm pháo. Căm thù dồn lên nòng súng, quân dân Hà Ngọc đã phối hợp bộ đội chủ lực chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngoan cường để bảo vệ cầu Đò Lèn. Dẫu thương tích trên mình, cầu Lèn vẫn trụ vững hiên ngang để đưa các binh đoàn tiến vào chi viện cho Hàm Rồng và cả chiến trường miền Nam”, ông Sỹ nhớ lại.
Không đầy nửa giờ sau, hàng chục máy bay Mỹ lại kéo đến đánh phá khu vực cầu Đò Lèn lần thứ hai. Một biên đội không quân Việt Nam gồm 4 chiếc MIC 17, do đồng chí Phạm Ngọc Lan chỉ huy đã bất ngờ xuất kích, bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay F8 của giặc. Dưới thấp bị lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp của bộ đội và dân quân Hà Trung đánh trả quyết liệt. Ngày đầu tiên, đế quốc Mỹ tưởng rằng với vũ khí hiện đại cùng cách đánh ồ ạt có thể đè bẹp sự phản kháng của ta. Nhưng quân dân Hà Trung đã bắn rơi 5 máy bay trên bầu trời Đò Lèn, bắt sống một giặc lái Mỹ và chúng phải rút về căn cứ.
Đêm 3/4 năm 1965, cả huyện Hà Trung hầu như không ngủ, lực lượng dân quân của các xã được huy động đến khu vực cầu Lèn san lấp hố bom, đào đắp hầm hào, công sự, để chủ động cho một ngày được báo trước là ác liệt hơn rất nhiều. Sáng 4/4/1965, Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc máy bay, điên cuồng trút hàng ngàn tấn bom đạn xuống Hàm Rồng, cầu Đò Lèn và các vùng phụ cận. Chia lửa với Hàm Rồng, phà Ghép, quân và dân Hà Trung đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi tiếp 7 máy bay Mỹ, góp phần hạ 30 máy bay trong ngày chiến đấu thứ hai trên địa bàn tỉnh. Góp phần làm nên chiến thắng vang dội của trận địa cầu Đò Lèn không chỉ có chàng trai, cô gái dân quân “tay cày, tay súng” cùng bộ đội chủ lực đánh giặc trên mâm pháo, các mẹ Nguyễn Thị Tuất, Nguyễn Cẩm ở xã Hà Phong; Nguyễn Thị Hạ, Hồ Thị Được, Lê Thị Bình ở xã Hà Lâm… đã không quản hiểm nguy, mang cơm, nước, ra tận trận địa thăm hỏi, động viên bộ đội, dân quân; băng bó, chăm sóc bộ đội bị thương.
Trong những ngày tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, quân dân huyện Hà Trung đã hiệp đồng cùng bộ đội chủ lực và Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bắn rơi 376 máy bay Mỹ, đảm bảo “huyết mạch” giao thông chi viện cho miền Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khoảnh khắc hào hùng về các trận đánh ở “tọa độ” lửa Đò Lèn của chàng trai, cô gái dân quân “tay cày, tay súng” Hà Trung năm xưa là khúc tráng ca hào hùng như những câu chuyện huyền thoại, là những mốc son chói ngời về cuộc chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đò Lèn giờ đã trở thành di tích lịch sử, văn hóa, và vùng “đất thép” Hà Trung một thời găm những vết thương của chiến tranh đã dần đổi mới, đang vươn mình trở thành huyện NTM.
Bài và ảnh: Trần Thanh