Hiện nay, việc sử dụng thực phẩm sạch, nông sản an toàn đang là xu hướng được người tiêu dùng lựa chọn. Các sản phẩm rau, quả an toàn được sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng rất phong phú và đa dạng về chủng loại, ước tính, tổng sản lượng mỗi năm đạt hơn 15.000 tấn. Nắm được xu hướng đó, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hiện đang tích cực đưa các sản phẩm nông sản an toàn vào gian hàng của mình, để giới thiệu, thu hút người tiêu dùng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Nhân viên cửa hàng ITC Food, đường Mai An Tiêm (TP Thanh Hóa) dán tem, nhãn cho sản phẩm rau sạch để chuẩn bị đưa lên kệ hàng.
Là một trong những địa chỉ đầu tiên được nhiều người biết đến về cung cấp thực phẩm sạch, hệ thống cửa hàng ATFood (thuộc Công ty CP Thanh Hoa Group) đã phát triển thành chuỗi với tổng số 9 cửa hàng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Hệ thống cửa hàng ATFood cung cấp hơn 600 mặt hàng, bên cạnh những sản phẩm thuộc thương hiệu khác, ATFood còn cung cấp các loại thực phẩm tươi sống, nông sản do chính thương hiệu của mình sản xuất. Với 4 trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô hơn 50ha; 2 nhà máy chế biến thực phẩm; 2 nhà máy chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, hằng năm, công ty cung ứng hàng nghìn tấn thực phẩm cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày, 1 cửa hàng thực phẩm của ATFood tiêu thụ từ 30 – 40kg nông sản, thực phẩm tươi sống và 60kg thực phẩm khô các loại. Hiện hệ thống cửa hàng ATFood đang thu hút được số lượng lớn khách hàng, đây là minh chứng rõ nét nhất về chất lượng sản phẩm trong lòng người tiêu dùng…
Nhờ kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm từ đầu vào, đầu ra, cửa hàng thực phẩm an toàn ITC Food, đường Mai An Tiêm (TP Thanh Hóa) đã cung ứng cho thị trường nhiều loại thực phẩm, nông sản an toàn. Các loại thực phẩm bày bán tại cửa hàng đều được sản xuất bởi các đơn vị uy tín trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Pic food, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Sao Mai, vùng rau sạch Quảng Lưu (Quảng Xương), Hoằng Hợp (Hoằng Hóa)…
Bà Lữ Thị Tuyết, giám đốc cửa hàng cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bởi chúng tôi đã lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm để đưa vào cửa hàng. Các sản phẩm đã được chúng tôi kết nối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản kiểm tra và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, khách hàng còn có thể kiểm tra nguồn gốc sản phẩm nhờ quét mã, tem nhãn do đó có thể yên tâm khi mua hàng. Nhờ chất lượng và dịch vụ mang lại, doanh thu của cửa hàng đạt bình quân 10 triệu đồng/ngày”.
Ngoài những cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch, hiện trên địa bàn thành phố cũng có rất nhiều cửa hàng tạp hóa đã kết hợp đưa gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn ngay tại cửa hàng, giúp người dân có điều kiện tiếp cận hơn với các sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các cửa hàng, gian hàng cung ứng, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của khách hàng. Vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang đẩy mạnh việc triển khai các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn. Điều này vừa giúp các địa phương có điều kiện giới thiệu các nông sản đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng, mà còn có thể dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, quy trình sản xuất những sản phẩm chất lượng. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh xây dựng và phát triển được trên 1.160 chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục định hướng cho các địa phương triển khai thực hiện các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên giới thiệu các sản phẩm nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm để người tiêu dùng có cơ hội sử dụng nguồn thực phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe.
Bài và ảnh: Chi Phạm