Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Lặc lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 3 chương trình trọng tâm để tập trung thực hiện. Đó là các chương trình: Phát triển nông nghiệp và XDNTM; Phát triển công nghiệp và dịch vụ; Nâng cao chất lượng giáo dục và y tế. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, nổi lên là những gam màu tươi sáng với nhiều kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực.
Mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế của người dân xã Ngọc Liên.
Phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ngọc Lặc đã dồn lực để phát triển kinh tế. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Đồng thời, phát huy vai trò của các HTX dịch vụ nông nghiệp trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất. UBND huyện cũng ban hành Đề án “Phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, giai đoạn 2021-2025”, Đề án “Thí điểm trồng mít Thái và chăn nuôi gà Thày dưới tán cây tại thôn Mới, xã Mỹ Tân, giai đoạn 2022-2025” và khuyến khích người dân ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Với nhiều giải pháp được triển khai, sản lượng lương thực bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 56,5 nghìn tấn (vượt 1,5 nghìn tấn so với mục tiêu nghị quyết đề ra). Toàn huyện đã chuyển đổi được 56,74 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao. Huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án, triển khai xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung, vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, dứa thâm canh, thâm canh mía nguyên liệu, phát triển trồng rừng gỗ lớn và vùng luồng thâm canh. Đặc biệt, sản phẩm vải không hạt trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm đã cho thu hoạch lứa đầu, được xuất khẩu sang thị trường Anh và Nhật Bản, mở ra cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh và huyện đang hướng tới.
Kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 50,06 triệu đồng, tăng 11,12 triệu đồng so với năm 2020. Nhờ đó, Nhân dân có điều kiện đóng góp, ủng hộ địa phương XDNTM. Giai đoạn 2021-2023, Ngọc Lặc đã huy động hơn 731 tỷ đồng cho chương trình XDNTM. Riêng năm 2022, huyện huy động được hơn 392 tỷ đồng, trong đó số tiền huy động từ cộng đồng dân cư chiếm hơn 262 tỷ đồng. Cùng với các nguồn vốn khác, dự kiến hết năm 2023 huyện có 20/20 xã đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 thôn đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn đạt chuẩn NTM lên 160/189 thôn; 2 thôn đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đây là thành quả quan trọng để Ngọc Lặc có thể hiện thực hóa mục tiêu lớn đến năm 2025 đạt huyện NTM.
Chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ của huyện cũng đạt kết quả tích cực. Trong nửa nhiệm kỳ, huyện chú trọng phát triển công nghiệp tập trung ở các khu vực đã quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp như thị trấn Ngọc Lặc, các xã Minh Tiến, Ngọc Sơn, Phúc Thịnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 1.500 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động có thu nhập ổn định. Nổi bật là hoạt động của nhà máy may xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Viet Pan Pacific, Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, Công ty CP Phân bón Phúc Thịnh… Các cơ sở dịch vụ, thương mại phát triển đa dạng, mạng lưới bán buôn, bán lẻ ngày càng mở rộng, nhiều cửa hàng được đầu tư quy mô lớn như Siêu thị Ngọc Nhâm, Siêu thị Điện Máy Xanh, Siêu thị Điện máy MediaMart. Hệ thống chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp nên việc buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra khá sôi động. Nửa nhiệm kỳ qua, tổng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp và dịch vụ đều vượt so với kế hoạch, đóng góp vào tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 6,56%, xếp thứ 2 khu vực miền núi.
Thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng giáo dục và y tế”, toàn huyện đã xây dựng được 69/74 trường học đạt chuẩn quốc gia (vượt 13,2% mục tiêu nghị quyết). Năm học 2022-2023, huyện Ngọc Lặc đứng thứ 3/11 huyện miền núi về chất lượng mũi nhọn, tăng 2 bậc so với năm học 2021-2022. Huyện có nhiều giáo viên, học sinh tham dự và đạt kết quả cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” xếp thứ nhì toàn tỉnh; hội thao “Người giáo viên Nhân dân” xếp thứ ba toàn tỉnh; cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử và truyền thống cách mạng của Nhân dân Thanh Hóa” năm 2022 xếp thứ nhất 11 huyện miền núi và thứ tư toàn tỉnh… Toàn huyện hiện có 20/21 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, còn xã Cao Ngọc phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2023. Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc được đầu tư nâng cấp cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của Nhân dân trong huyện và khu vực miền núi.
Những kết quả đạt được trong thực hiện 3 chương trình trọng tâm đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của huyện Ngọc Lặc, là cơ sở để huyện tiếp tục phấn đấu, hoàn thành thắng lợi tất cả các chỉ tiêu đề ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Bài và ảnh: THU VUI