Được xác định là một trong những cây trồng truyền thống, cây chè đã gắn bó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Như Xuân. Để tạo động lực cho nghề sản xuất, chế biến chè phát triển, huyện đã thực hiện các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu chè quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Người dân xã Cát Tân thu hoạch chè.
Cây chè đã phát triển trên vùng đồi Như Xuân gần 30 năm tại các xã Cát Tân, Hóa Quỳ, Bình Lương… Đây là cây trồng được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác như cây sắn, cây mía, keo… Tuy nhiên, việc phát triển cây chè trên địa bàn huyện Như Xuân đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, việc trồng, chăm sóc, thu hái, chưa đúng quy trình kỹ thuật, đưa vào sản xuất các giống cũ nên năng suất, chất lượng còn thấp. Bên cạnh đó, chưa có cơ sở thu mua, chế biến chè búp khô nên chất lượng sản phẩm chưa cao và ít được người tiêu dùng biết đến. Trong những năm qua việc đầu tư cho phát triển cây chè chưa được các cấp chính quyền quan tâm, chưa có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè…
Với kỳ vọng khôi phục và phát triển loại cây trồng truyền thống và trồng mới các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao để mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, huyện Như Xuân đã phê duyệt dự án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030” nhằm xác định mục tiêu, giải pháp, chính sách để phát triển bền vững cây chè, tạo thành vùng sản xuất tập trung, cung cấp nguyên liệu cho chế biến chè phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại xã Cát Tân, năm 2022, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân được thành lập đã chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, canh tác chè hữu cơ, chế biến đúng quy trình kỹ thuật, liên kết, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Vũ, giám đốc HTX, cho biết: “Xã Cát Tân có 35,5 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Để người dân thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào chăm sóc, HTX đã phải tích cực tuyên truyền, sản xuất thử nghiệm, cầm tay chỉ việc để người dân tin tưởng, làm theo. Đặc điểm của trồng chè hữu cơ là giảm chi phí chăm sóc, sinh vật và vi sinh vật phát triển mạnh nên cây trồng cũng được hưởng lợi rất lớn từ môi trường đất giàu dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe người trồng chè, hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Năm 2022, HTX được Tổ chức tầm nhìn thế giới hỗ trợ 2 máy sao và 3 máy vò chè, vì vậy việc sản xuất chè của bà con thuận lợi hơn”.
Hiện nay, toàn huyện Như Xuân phát triển được hơn 152 ha chè, trong đó, diện tích trồng chè búp khoảng 32,4 ha, chè tươi khoảng 120 ha. Nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, huyện đã rà soát diện tích cây trồng kém hiệu quả kinh tế, chuyển đổi sang trồng chè, tập trung tại các xã Cát Vân, Cát Tân, Hóa Qùy, Bình Lương và thị trấn Yên Cát. Bên cạnh đó, huyện phát triển vùng chè nguyên liệu bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, thích hợp làm nguyên liệu để chế biến chè xanh cao cấp như giống Kim Tuyên, Ngọc Thúy, PH8… Đồng thời, thực hiện phục hóa, trồng lại những vườn chè đã già cỗi, không còn khả năng khai thác hoặc cho năng suất thấp. Huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy thu hái, máy chế biến… để giảm chi phí sản xuất và đảm bảo công suất chế biến khi quy mô sản xuất tăng lên. Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu chè, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến chè truyền thống và các nhà máy chế biến hiện đại có công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm chè có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Để người dân yên tâm sản xuất, huyện đã thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất chè an toàn; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm chè Như Xuân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu chè Như Xuân.
Chia sẻ về định hướng phát triển cây chè trên vùng đồi Như Xuân, ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu có hơn 400 ha chè với sản lượng đạt 2 vạn tấn chè búp tươi và xuất khẩu 5.000 tấn chè các loại mỗi năm. Đồng thời, phát triển được những vùng chè bảo đảm các tiêu chuẩn ISO, HACCP, USDA và xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ chè, các sản phẩm từ chè. Mặt khác, thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, quy trình kỹ thuật, chế biến và thị trường tiêu thụ, đưa các giống chè có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường, từng bước đưa cây chè trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện.
Bài và ảnh: Lê Ngọc