Để hạn chế rủi ro trong tiêu thụ nông sản, huyện Như Thanh đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp, HTX thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đây được xem là giải pháp tối ưu để bảo đảm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng tại xã Xuân Du.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân xã Xuân Du đã chọn thanh long ruột đỏ để thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên diện tích đất đồi. Theo đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Du đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Trần Thị Hương, một trong những hộ dân mạnh dạn tiên phong chuyển đổi diện tích đất đồi của gia đình để trồng thanh long, chia sẻ: “So với những cây trồng khác, thanh long ruột đỏ khá phù hợp với địa hình đồi núi lại chịu hạn tốt, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, đây là cây trồng lâu năm nên chúng tôi chỉ mất chi phí đầu tư ban đầu, không mất nhiều công chăm sóc, quả cho thu hoạch nhiều năm… Nhất là hiện nay, 90% diện tích sản xuất của người dân được HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Du đứng ra thu mua để cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm an toàn nên chúng tôi đã chủ động chuyển đổi đất đồi kém hiệu quả kinh tế để mở rộng diện tích trồng thanh long”.
Ông Trương Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du cho biết: Việc HTX đứng ra thu mua đã và đang tạo động lực để người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; bên cạnh đó, khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo vùng nguyên liệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ ổn định đầu ra của sản phẩm nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao… Hiện, toàn xã Xuân Du có 12 ha sản xuất thanh long ruột đỏ, hầu hết diện tích đã được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Tại xã Phú Nhuận có 70 hộ dân hiện đang trồng cây thức ăn chăn nuôi như cỏ voi, cỏ VA06, Mulato, ngô dày… với tổng diện tích 45 ha. Các hộ sản xuất được xã định hướng các giống phù hợp với thổ nhưỡng, các loại con nuôi và hướng dẫn người dân cách chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Ngoài việc chủ động được nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò trong mùa đông, nhiều hộ dân đã được các trang trại bò sữa ký kết hợp đồng bao tiêu cây thức ăn chăn nuôi, góp phần ổn định thu nhập cho người dân. Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số trang trại chăn nuôi đã thực hiện liên kết với các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm, như: Trang trại chăn nuôi lợn ngoại tại các xã Phú Nhuận, Cán Khê, Yên Lạc… trang trại chăn nuôi gà thịt và gà đẻ tại các xã Mậu Lâm, Xuân Du…
Đánh giá việc thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Như Thanh, ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Từ những kết quả ban đầu của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân. Thời gian qua, huyện Như Thanh đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, như: công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động, sản xuất theo quy trình VietGAP. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu được lai tạo bằng kỹ thuật sinh học phân tử, như: Thái Xuyên 111, LTH31, CP511, B265, NK7328… Đi đôi với đó, huyện đã tích cực vận động, hướng dẫn người dân ở các địa phương thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; hướng tới hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của huyện, như: cây thức ăn chăn nuôi, mía nguyên liệu, cây ăn quả, dược liệu, nấm các loại, rau an toàn… Mặt khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay diện tích sản xuất tại các địa phương vẫn còn nhỏ, lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng còn hạn chế. Các doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ít, quy mô đầu tư hạn chế… Vì vậy, thời gian tới, để đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX và người dân, huyện sẽ chú trọng triển khai các giải pháp tích tụ ruộng đất, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ canh tác cho lao động nông nghiệp; hỗ trợ về giống, vật tư, chuyển giao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Tại các xã, cần tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế; chăn nuôi an toàn sinh học… hướng tới phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Bài và ảnh: Lê Ngọc