Nhận thức rừng là nguồn tài nguyên quý, góp phần quan trọng cho địa phương phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, có giá trị lớn về môi sinh, môi trường,… huyện Như Thanh đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng (BVR) gắn với phát triển rừng bền vững.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại thị trấn Bến Sung được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt.
Ông Lê Kim Du, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh cho biết: Để BVR tận gốc, Hạt Kiểm lâm Như Thanh đã tham mưu với Huyện ủy ban hành các văn bản thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn (KLVĐB) tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở trên địa bàn kiện toàn ban chỉ đạo về chương trình, mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ”… Phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội tham gia BVR, PCCCR có hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Đề án 500 tiếp nhận và xử lý thông tin, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân; tổ chức đối thoại với Nhân dân về công tác BVR, về hoạt động của kiểm lâm ở cơ sở… Hạt kiểm lâm chỉ đạo KLVĐB xây dựng các tổ, đội BVR tại cơ sở. Ngoài việc chỉ đạo KLVĐB tham mưu với chính quyền trong BVR tận gốc, hạt kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra an ninh rừng tại các vùng rừng còn giàu tài nguyên; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Ngay từ đầu mùa nắng nóng năm 2023, hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương đã khảo sát, khoanh vùng diện tích rừng trọng điểm cháy 4.549 ha trên địa bàn có nguy cơ cháy cao. Huyện đã triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn nhằm chủ động BVR như mua sắm các trang thiết bị phục vụ PCCCR; xây dựng mới hơn 2,8km đường PCCCR tại khu vực các xã Xuân Du, Phượng Nghi… Hướng dẫn cho Nhân dân phát dọn, xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông bằng biện pháp đốt trước có điều khiển; xác định nguyên nhân gây cháy, xây dựng phương án BVR, PCCCR cụ thể, phù hợp thực tế. Hạt kiểm lâm đã tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền về công tác BVR gắn với phát triển rừng cho 501 lượt người tham gia; 1.285 lượt phát sóng của đài truyền thanh huyện, xã, thôn. Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển rừng gỗ lớn.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, diện tích trồng rừng hàng năm trên địa bàn huyện tăng lên. Theo kết quả rà soát của Hạt Kiểm lâm Như Thanh: Hiện nay, toàn huyện có 37.345,2 ha rừng, trong đó có 22.660,33 ha rừng trồng, diện tích còn lại là rừng tự nhiên. Đến tháng 9-2023, các xã, thị trấn, các chủ rừng Nhà nước trên địa bàn huyện đã trồng mới được 3.782,5 ha rừng gỗ lớn; chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 923 ha; khoanh nuôi, phục tráng 92,9 ha rừng lim xanh. Hàng năm, cung cấp gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ công nghiệp chế biến, xây dựng; giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ làm nghề rừng.
Huyện Như Thanh đề ra mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng và giá trị rừng trên một đơn vị diện tích, tạo đột phá trong phát triển lâm nghiệp cả về năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng tái cơ cấu đầu tư ngành lâm nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình; thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn nói chung và lâm nghiệp nói riêng. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 trồng mới rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh với tổng diện tích hơn 8.000 ha. Để tạo điều kiện cho các đơn vị, người dân thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, huyện Như Thanh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn; khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh. Hạt Kiểm lâm Như Thanh đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng Nhà nước tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn. Kêu gọi một số doanh nghiệp làm việc với các chủ rừng trên địa bàn để liên kết đầu tư từ khâu áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng rừng theo hướng thâm canh; chọn cây giống cho năng suất cao, chất lượng gỗ tốt; khai thác đúng quy trình kỹ thuật;… thực hiện đúng các nguyên tắc quản lý rừng bền vững, để sớm được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Hơn 8 tháng năm 2023, an ninh rừng ổn định, không xảy ra cháy rừng, các chỉ tiêu về lĩnh vực lâm nghiệp đang thực hiện hoàn thành và vượt mức kế hoạch được giao.
Bài và ảnh: Thu Hòa