Đường Trường Sơn là một trong những huyền thoại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện thật mà như huyền thoại vẫn mãi in sâu trong ký ức những người chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) Trường Sơn năm xưa. Mỗi lần gặp nhau, những người lính ấy lại bồi hồi ôn lại một thời hoa lửa…
Bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa) cùng đồng đội hát bài ca Trường Sơn tại lễ gặp mặt kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống. Ảnh: Minh Trang
Được gặp lại đồng đội tại lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống đơn vị cựu TNXP chống Mỹ cứu nước N237 – Ban Xây dựng 67 Trường Sơn Thanh Hóa sau nhiều năm xa cách, cựu TNXP Nguyễn Thị Tuyết ở xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) không khỏi bồi hồi, xúc động. Bà kể: Tuổi đôi mươi tôi và nhiều chị em trong huyện nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ tham gia lực lượng TNXP giai đoạn 1969-1972 làm nhiệm vụ mở đường ở tuyến đường Trường Sơn 16a. Đơn vị C5 chúng tôi làm nhiệm vụ san lấp hố bom mở đường, làm đường mới ra tiền tuyến, đón các đoàn xe chi viện vào miền Nam. Lúc bấy giờ, hàng ngày trên đường 16a có hàng nghìn chuyến xe hàng, bộ đội đi qua. Vào mùa mưa có xe đi được, có xe bị sa lầy… Những xe chưa qua được, chúng tôi nhanh chóng đến ứng cứu để lương thực, hàng hóa không bị rơi, hao tổn; một số chị em khác ra sức cuốc đất, chặt cây chèn nền đường chắc chắn để xe đi qua…
Hồi tưởng của bà Tuyết về những năm tháng cùng đồng đội nằm “màn trời, chiếu đất”, thức ăn chủ yếu là sắn, lá tàu bay trong rừng, thậm chí ăn đói hơn một chút để dành lương thực cho bộ đội và dự trữ lương thực cho những ngày mưa gió… Khó khăn nhất là việc bà cùng đồng đội phải chống chọi với những cơn sốt rét ác tính khiến người run cầm cập, tóc rụng, da vàng, thân hình gầy gò. Mỗi lần nhớ lại, bà nghĩ rằng chỉ có ý chí sắt đá, khát vọng hòa bình và sự dũng cảm mới vượt qua được.
Là Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng C5 Đội 25 đường 20 Quyết Thắng, có 2 nhiệm kỳ TNXP đóng quân trên tuyến đường Trường Sơn, ông Nguyễn Đức Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh bồi hồi: Những tháng ngày mở đường Trường Sơn phục vụ chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bộ đội và TNXP khổ lắm. Dù phải làm đường trong rừng sâu núi thẳm, thời tiết rất khắc nghiệt, máy bay bắn phá ngày đêm, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám đường, thông tuyến, tham gia cứu thương. Tôi nhớ nhất là đêm 26, rạng ngày 27/10/1967, binh đoàn pháo của ta hành quân vào miền Nam nhưng gặp pháo sáng của địch nên phải nấp vào khe núi. Chúng tôi làm nhiệm vụ bảo quản tuyến đường có 2 trọng điểm ác liệt là đỉnh đèo 41 và ngầm Kroong. Bị máy bay địch phát hiện, 3 giờ chiều chúng thả bom bắn phá. Phía ta có 3 trận địa pháo của bộ đội bảo vệ đã nổ súng đánh trả quyết liệt, trong trận này có 29 đồng chí hy sinh, trong đó có 11 TNXP. Một số người bị thương được cáng vào hầm. Đến 5 giờ chiều, giặc lại tiếp tục thả bom đánh trúng hầm. Rất nhiều đồng chí bị thương vừa đưa vào hầm chưa kịp sơ cứu đã bị trúng bom tiếp. C5 Đội 25 của tôi lúc đó có 6/7 đồng chí làm nhiệm vụ cứu thương trong hầm hy sinh. Duy nhất còn tôi sống sót, nhưng bị ảnh hưởng của sức ép bom mìn, bị thương ở đùi và được đồng đội đưa về Bệnh viện NH K14 (Binh trạm 14) điều trị.
Trở về cuộc sống đời thường, ông Lâm vẫn đau đáu nhớ thương đồng đội. Dù trải qua nhiều công việc khác nhau, vị trí nào ông cũng hoàn thành tốt và dành thời gian cùng đoàn công tác 4 lần vào chiến trường tìm được 4 hài cốt đồng đội mang về.
Với TNXP Thanh Hóa, nhiệm vụ chủ yếu là mở đường. Nhiều tuyến lửa ác liệt như đường 20 Quyết Thắng, đường 12, đường mòn Hồ Chí Minh; những địa danh như cua chữ A, dốc Ta Lê, dốc Ba Thang… là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, đã trộn lẫn biết bao xương máu, mồ hôi của các chiến sĩ ta.
Ông Đoàn Công Khanh hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hậu Lộc, chia sẻ: Tôi nhập ngũ vào đơn vị C48- N21 Đoàn 559. 17h ngày 25/5/1965, chúng tôi xuất phát tại thôn Yên Vệ, xã Quảng Thắng, huyện Quảng Xương (nay là phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) cùng với các đại đội khác thuộc N21 hành quân bằng xe đạp “Phượng hoàng bay”. Sau 30 ngày hành quân, đơn vị tập kết tại Thanh Lạng, tỉnh Quảng Bình rồi để lại xe, đi bộ qua khe Ve, khe Tang sang nước bạn Lào trên tuyến Tây Trường Sơn. Nhiệm vụ của chúng tôi vào mùa khô chủ yếu bảo vệ tuyến đường cho xe vận chuyển vũ khí vào mặt trận. Mùa mưa mang vác, gùi thồ lương thực, thực phẩm, vũ khí; sản xuất, vận chuyển bằng “thuyền nan bọc bạt” lái ca nô trên sông Bạc nước bạn Lào; phát đường bí mật ra tuyến lửa để giao liên, đưa cán bộ vào Trung ương cục miền Nam. Chúng tôi và nhiều đơn vị khác luôn có mặt tại những trọng điểm. Dù trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ, TNXP vẫn luôn quyết tâm giữ huyết mạch giao thông cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. C48 có 148 đồng chí, thì 5 hy sinh, 10 bị thương…
Dù 65 năm đã trôi qua, nhưng với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến năm xưa, Trường Sơn dẫu gian khổ, ác liệt, song đầy hào hùng và vinh quang. Để rồi, qua những cuộc gặp gỡ xúc động của những chiến sĩ TNXP mở đường Trường Sơn huyền thoại, những người may mắn được chứng kiến, đã không khỏi xúc động và tự hào.
Lê Hà