Du lịch cộng đồng được giới chuyên gia nhận định sẽ là xu hướng mang đến nhiều triển vọng, tạo sinh kế cũng như thay đổi tư duy làm kinh tế cho người dân ở những vùng miền còn nhiều khó khăn. Song, làm thế nào để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, đã, đang là bài toán khó đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa và nhiều địa phương trong cả nước.
Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Thiềng Liềng (TP Hồ Chí Minh) vào tháng 8/2023.
Tháng 8/2023, đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức khảo sát, tham quan điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Mặc dù là điểm du lịch mới, chính thức đưa vào hoạt động từ cuối năm 2022, song đây là một mô hình du lịch được các thành viên đoàn công tác đánh giá cao về cách thức tổ chức.
Điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng vốn là một “ấp đảo”, chỉ có một con đường độc đạo hình oval dài khoảng 4 km, uốn quanh ruộng muối, sông rạch và rừng ngập mặn, bởi vậy từ điểm bắt đầu tham quan cho đến điểm cuối dừng chân sẽ là một vòng khép kín. Từ lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan môi trường và bản sắc văn hóa, ấp đảo Thiềng Liềng đề ra triết lý khai thác du lịch chung: “Du lịch hội tụ”. Cụ thể, 16 hộ gia đình tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ được chia ra thành các nhóm hộ kinh doanh sản phẩm dịch vụ khác nhau, gồm: ẩm thực và thức uống vùng biển, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn. Tất cả các sản phẩm du lịch này do chính các hộ dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện và HTX nông nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch Thiềng Liềng điều hành, quản lý.
Nếu như điểm đến đầu tiên du khách được thưởng thức nước uống và đặc sản địa phương, điểm đến tiếp theo du khách sẽ thưởng thức nước uống chanh muối hoặc si rô… Đây là các loại đặc sản do chính người dân bản địa tự tay làm, nấu, chế biến với cách làm thủ công, nguyên liệu có sẵn trong vườn. Với việc phân chia nhóm sản phẩm, dịch vụ, các hộ lưu trú sẽ chỉ phục vụ bữa sáng cho du khách, các bữa ăn chính sẽ do nhóm hộ kinh doanh dịch vụ ẩm thực phục vụ. Tương tự, các hộ trong nhóm “không gian nghề muối”, “đờn ca tài tử” chỉ phục vụ du khách tham quan, check-in và thưởng thức văn nghệ. Bởi vậy, du khách sẽ không thể trải nghiệm hay sử dụng hết tất cả các dịch vụ ở một điểm đến, mặt khác việc phân chia rõ ràng các nhóm dịch vụ sẽ thu hút cộng đồng cùng tham gia, cùng hưởng lợi từ du lịch.
Nhắc đến du lịch cộng đồng, cho đến nay các tỉnh vùng Tây Bắc hiện đang là khu vực phát triển mạnh loại hình du lịch này, với nhiều điểm đến hấp dẫn. Trong đó Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu (Sơn La) là một điển hình. Tháng 9/2023, đoàn doanh nghiệp lữ hành tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức chuyến khảo sát, kết nối nhằm trao đổi khách 2 chiều với các doanh nghiệp dịch vụ tại đây.
Chia sẻ về hoạt động du lịch cộng đồng Mộc Châu, bà Lê Thị Thu Hằng (Khu nghỉ dưỡng Thác Dải Yếm Eco Farm) cho biết: “Trước sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu đã tập hợp lại, mỗi đơn vị phát triển một sản phẩm thế mạnh, hỗ trợ lẫn nhau hình thành nên một chuỗi dịch vụ du lịch hoàn chỉnh để đón khách. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các nhóm khảo sát dịch vụ, tự chụp ảnh các điểm đến check-in như vườn hồng, đồi chè,… để quảng bá và tạo sự tin cậy đối với khách hàng. Chúng tôi hiểu rằng, nếu các điểm check-in đông khách chắc chắn sẽ đến với cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, trạm dừng nghỉ đông. Chúng tôi nói về chúng ta là điều mà chúng tôi đã làm và sẽ nỗ lực làm tốt trong thời gian tới”.
Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, với quan điểm chia sẻ lợi ích, đồng hành phát triển, việc kết nối với Thanh Hóa nói riêng và các địa phương khác nói chung sẽ tạo nên cộng đồng du lịch phát triển lớn mạnh. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch tại Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu cũng đã tổ chức đoàn famtrip khảo sát dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với những nét tương đồng về sản phẩm du lịch và lợi thế về kết nối giao thông, các doanh nghiệp du lịch tại Mộc Châu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và đồng hành cùng Thanh Hóa phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
Chia sẻ lợi ích, đồng hành phát triển đã, đang được nhiều điểm đến du lịch triển khai hiệu quả. Cũng từ đó nếu “soi” lại các điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới thấy còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Điều dễ nhận thấy đó là sự phát triển ồ ạt, thiếu chọn lọc, dẫn đến các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn ý tưởng, thậm chí dập khuôn máy móc. Thực tế, từ Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), cho tới các điểm đến khác như bản Năng Cát – thác Ma Hao (Lang Chánh), bản Mạ (Thường Xuân), bản Hang (Quan Hóa)… các hoạt động cơ bản mới chỉ phục vụ du khách trải nghiệm lưu trú nhà sàn, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ… Trong khi đó, mỗi điểm đến đều có thế mạnh riêng về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa.
Theo các chuyên gia du lịch, phát triển du lịch cộng đồng vừa là bảo tồn văn hóa, vừa phát huy các giá trị vốn có. Theo đó, để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, ngoài cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa khác biệt, trước tiên, cần một cộng đồng đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ lợi ích. Cùng với đó là sự song hành, chung tay, định hướng của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương. Và chỉ khi có một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó du lịch cộng đồng mới có thể phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Hoài Anh