Trong hành trình phát triển, những kết quả đạt được đã và đang nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Song, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới.
Cảng Hàng không Thọ Xuân.
Chung tay xây dựng ngôi nhà xứ Thanh
Tại hội nghị lần thứ 22, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Một tỉnh Thanh đang phấn đấu vươn lên trở thành một trong những tỉnh thuộc nhóm đầu cả nước với bộn bề khó khăn, thách thức như một “ngôi nhà” đang được chỉnh trang diện mạo, thổi vào luồng sinh khí mới, càng cần tinh thần đóng góp, dựng xây. “Ngôi nhà” đang trong giai đoạn dựng xây, không tránh khỏi ngổn ngang gạch đá, khói bụi làm cho “sinh hoạt ngày thường” ít nhiều phiền muộn. Thái độ của mỗi người trước những khó khăn tùy thuộc vào việc xem “ngôi nhà” đó của người khác, hay của chính mình. Nếu xem là của mình thì thay vì than phiền, hãy nhận lấy trách nhiệm bằng cách góp công, góp sức: Người thì quét dọn sạch sẽ, sắp xếp vật dụng ngăn nắp; người thì trồng thêm cây xanh, vun tưới luống hoa; người thì chăm sóc cảnh quan, sân vườn, ân cần với hàng xóm láng giềng, chung tay, chung sức, chung lòng là vậy. Thay vì hờn trách, ngóng đợi, thì hãy thắp lên những ngọn đuốc, tiếp thêm năng lượng tích cực lan tỏa “ngọn lửa nhiệt huyết”, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước giàu đẹp.
Xác định năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025. Vì vậy tại hội nghị lần thứ 22, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đáng chú ý là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng giảm so với cùng kỳ, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp, thu ngân sách Nhà nước, huy động vốn đầu tư phát triển… Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Một số sản phẩm công nghiệp truyền thống sản lượng giảm mạnh so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản thanh khoản thấp. Hoạt động của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn; khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn hạn chế. Hoạt động đầu tư xây dựng vẫn còn vướng mắc về thể chế, về thủ tục hành chính, về nguồn cung và giá vật liệu xây dựng. Tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất chậm và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch (mới đạt 39,9%). Việc tính tiền sử dụng đất của nhiều dự án còn bất cập và rất chậm. Kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của tỉnh bị tụt bậc, đứng thứ 47 toàn quốc, thuộc nhóm trung bình. Tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện còn chậm.
Văn hóa – xã hội có mặt chậm chuyển biến. Số lượng giáo viên còn thiếu cục bộ ở các cấp học, bậc học… Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số cán bộ, công chức vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý pháp luật. Không ít khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên chậm được phát hiện, xử lý kịp thời.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số lĩnh vực, sở, ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa chủ động, thiếu sáng tạo, thiếu quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ; có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong tham mưu, giải quyết công việc, dẫn đến một số nhiệm vụ, công việc của tỉnh, của ngành, địa phương chậm tiến độ, kéo dài. Một số vướng mắc về thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa được giải quyết, tháo gỡ. Kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ có việc, có nơi chưa nghiêm.
Những kinh nghiệm từ thực tiễn
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài viết “Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 – kết quả, bài học và những vấn đề đặt ra” đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, ngày 5-7-2023, trong đó nêu lên 5 bài học kinh nghiệm:
Toàn cảnh hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, khóa XIX, đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Một là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, giữ gìn và làm cao dày hơn sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền các cấp, trong tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên cơ sở quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích chung và vì sự phát triển của tỉnh, của địa phương, đơn vị; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hai là, luôn luôn bám sát thực tiễn, làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá đúng tình hình, trên cơ sở đó chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kịch bản, giải pháp cụ thể để kịp thời phòng chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả những khó khăn, thách thức và những vấn đề phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ; ưu tiên giữ vững ổn định trong bối cảnh có nhiều biến động.
Ba là, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; nắm chắc đường lối chung, xuất phát từ bối cảnh và thực tế để đánh giá nhận diện đúng tình hình; chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng, có những quyết sách và hành động phù hợp theo quy luật khách quan; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả.
Bốn là, nhận thức đúng vị trí của Thanh Hóa trong khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Tranh thủ tốt thời cơ, thuận lợi, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần tự lực, tự cường; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc, phát sinh. Chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển với chăm lo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.
Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời cán bộ có sai phạm; điều chuyển, thay thế cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.
Đoàn kết thống nhất
đưa Thanh Hóa vươn xa
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Đổi mới phương thức sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải – cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Song song với các giải pháp về kinh tế, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội. Thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; rà soát, sắp xếp dân cư ở những khu vực thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, bố trí nơi ở ổn định cho đồng bào sinh sống trên sông; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…
Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, công tác dân vận, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh.
“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang kiên trì trong hành trình phát triển vươn lên, để hiện thực hóa khát vọng sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Thành quả thu được khá nhiều, mà hạn chế cũng không nhỏ. Thời cơ, thuận lợi nhiều, mà khó khăn, thách thức cũng không ít. Một nền kinh tế đang trong tiến trình chuyển đổi, không thể cái gì cũng vụ trước, vụ sau là hái quả. Một nền kinh tế đang cơ cấu lại không thể ngày một, ngày hai là tươm tất. Với tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, luôn chăm lo xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào đều phải thể hiện tính cách mạng, xung kích, kỷ luật, trung thực, chống tham nhũng, tiêu cực, chống bệnh thành tích, hình thức, càng trong khó khăn gian khổ thì càng phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – người đứng đầu Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 22, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Bài và ảnh: Minh Hiếu
Bài viết sử dụng một số nội dung trong bài viết của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng “Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 – kết quả, bài học và những vấn đề đặt ra” đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng.