Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong ngành y tế các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) không sử dụng tiền mặt, giúp giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo thuận lợi cho người dân.
Cán bộ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa hướng dẫn người dân các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Bằng ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, cho biết: “Cách đây hơn 2 năm, có lần đi khám bệnh, vì chỉ tập trung giữ các loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, nên tôi bị rơi mất ví tiền lúc nào không biết. Nhưng hiện nay sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện. Khi đi khám bệnh, tôi chỉ cần căn cước công dân, điện thoại di động, quét mã QR là thanh toán được viện phí một cách nhanh gọn, không phải chờ đợi. Việc thanh toán không sử dụng tiền mặt giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn, không phải sợ rủi ro mất tiền ở chỗ đông người”.
Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa là một trong những bệnh viện tiên phong trong việc thu viện phí không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Để tạo điều kiện về mặt thủ tục hành chính cho người dân đến KCB, bệnh viện đã trang bị đầy đủ các thiết bị và liên kết với các ngân hàng để chủ động phục vụ việc thanh toán các chi phí KCB bằng hình thức không sử dụng tiền mặt. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện đón tiếp hàng trăm lượt bệnh nhân đến KCB. Trước đây, tại khu vực nộp tiền, thanh toán viện phí, số lượng bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đứng xếp hàng chờ đến lượt rất đông tạo áp lực cho cả cán bộ y tế và người dân. Nay nhờ thực hiện các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt mà khu vực thanh toán viện phí khá thông thoáng. Hiện có khoảng gần 30% người dân khi KCB ở bệnh viện chủ động thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Việc thanh toán không sử dụng tiền mặt cũng giúp bệnh viện dễ kiểm soát nguồn thu viện phí, giảm áp lực cho nhân viên thu phí thời điểm bệnh nhân tập trung đông.
Tại các cơ sở y tế, việc xếp hàng thanh toán viện phí luôn là vấn đề bức xúc đối với bệnh nhân và người nhà. Bởi vậy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là một yêu cầu cấp thiết. Để người dân nắm bắt được những lợi ích của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tại các các cơ sở y tế thường xuyên cử cán bộ Phòng Công tác xã hội tư vấn trực tiếp cho người dân đến KCB tại bệnh viện hoặc tư vấn tại quầy thu viện phí về các tiện ích của loại hình thanh toán này. Qua đó, đã từng bước nâng cao tỷ lệ người dân thực hiện phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Với đa dạng các hình thức thanh toán viện phí, người dân được tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quá trình thực hiện chi trả các chi phí dịch vụ y tế, vừa nhanh gọn, vừa an toàn và tiện lợi.
Cùng với đó, để giúp người dân tiếp cận được với các hình thức thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các đơn vị và cơ sở y tế bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị phần mềm, dịch vụ thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử. Với nhiều nỗ lực, đến nay 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến huyện đều chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, giúp rút ngắn quy trình KCB; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số tại các bệnh viện, hướng tới thực hiện bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ.
Thời gian tới, các cơ sở y tế trong tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc trang thiết bị, mở rộng hơn nữa các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về những lợi ích thiết thực khi sử dụng dịch vụ, từng bước tiến tới mô hình bệnh viện thông minh, không giấy tờ.
Bài và ảnh: Minh Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhieu-tien-ich-khi-su-dung-hinh-thuc-thanh-toan-khong-su-dung-tien-mat-tai-cac-co-so-y-te-217982.htm