Ngành may mặc, giày da hiện đang chiếm vị trí chủ đạo trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu các ngành hàng này vẫn chưa đạt mong muốn do doanh nghiệp (DN) chủ yếu sản xuất theo phương thức CMT (gia công).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH 888 (Quảng Xương). Ảnh: Minh Hằng
Hiện nay, một số DN đã “manh nha” tiếp cận đơn hàng sản xuất theo phương thức FOB (chủ động nguyên liệu, cắt may, gửi hàng) để tạo giá trị gia tăng hàng hóa cao hơn. Tuy nhiên, các DN Thanh Hóa đang gặp nhiều rào cản, thách thức từ nguồn nguyên liệu tới vốn, trình độ quản lý, nguồn nhân lực.
Thay vì chỉ đảm nhận 1 khâu gia công sản phẩm, sản xuất FOB mang lại giá trị gia tăng cao hơn do phát sinh thêm nhiều khâu và giai đoạn sản xuất. Các nhà máy sẽ tiến hành nhiều công đoạn từ chọn chất liệu, thu mua nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm và giao hàng tại bến tàu trong nước cho đối tác. Theo tính toán, sản xuất hàng hóa theo phương thức FOB mang lại lợi nhuận gấp 2 – 3 lần so với sản xuất hàng hóa gia công. Một số DN tại Thanh Hóa có năng lực sản xuất tốt, bộ máy tổ chức và bộ phận sale hoạt động chuyên nghiệp đã và đang tiến tới tiếp cận phương thức này.
Là một DN quy mô vừa trong ngành may, Công ty TNHH Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn) có khá nhiều chứng chỉ quốc tế uy tín trong ngành may mặc được các quốc gia như Mỹ và châu Âu đánh giá, chứng nhận. Do đó lượng đơn hàng của DN khá ổn định, kể cả trong thời điểm thị trường tiêu thụ khó khăn từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Vừa giữ vững lượng đơn hàng gia công, gần đây DN cũng dần tiếp cận các đơn hàng FOB. Chị Hoàng Thị Kim Dung, giám đốc công ty chia sẻ: “Sản xuất hàng hóa FOB hay tiêu chuẩn cao hơn rất ít được các chủ DN lựa chọn vì năng lực sản xuất chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó là những hạn chế và thách thức do năng lực làm việc của đội ngũ nhân viên về mọi mặt như phát triển mẫu, bắt kịp xu hướng thời trang, pháp luật quốc tế… Trước bối cảnh đơn hàng, đơn giá gia công suy giảm, mặc dù xác định còn nhiều khó khăn nhưng DN vẫn quyết tâm tiếp cận sản xuất hàng FOB khi có sự chuẩn bị và đáp ứng được các điều kiện liên quan. Bước đầu, để tránh rủi ro, DN lựa chọn phương án FOB do nhóm khách hàng tin cậy và chỉ định nguyên liệu. Hiện nay, tổng sản lượng hàng FOB của DN đạt khoảng 20 – 30% năng lực và xu hướng sẽ chuyển dịch dần lên tới 50%”.
Công ty TNHH May Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn) đã tiếp cận được 20 – 30% hàng FOB.
Cùng với Công ty TNHH Huệ Anh và một số DN khác thuộc Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn, những DN là công ty thành viên của các thương hiệu may mặc lớn cũng đã bước đầu tiếp cận phương thức sản xuất này. Theo các DN, lợi nhuận sản xuất hàng FOB rất cao, có thể gấp tới 3 lần sản xuất gia công nếu tìm được nguồn nguyên liệu rẻ và quản lý sản xuất tốt. Tuy nhiên, muốn tiếp cận và làm chủ phương thức này, DN cần phải “mạnh” nhiều yếu tố, từ vốn, kỹ thuật tới đội ngũ nhân lực có trình độ ngoại ngữ tốt để khai thác cũng như đàm phán đơn hàng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu phù hợp.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh, thực tế từ nhiều năm nay, rất nhiều DN trên địa bàn tỉnh muốn dịch chuyển làm hàng FOB. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực làm được điều đó bởi FOB đòi hỏi DN phải chủ động được nhiều khâu sản xuất. Sau khi phía đối tác nước ngoài giao thiết kế sản phẩm, DN phải tự tìm kiếm nguyên, phụ liệu, tổ chức sản xuất và giao hàng đúng hạn nên rủi ro với DN là rất nhiều vì vốn đầu tư lớn nhưng vòng quay vốn chậm.
Cũng vì những lý do này mà số lượng DN theo phương thức FOB chưa cao mặc dù hiệp hội có định hướng từ nhiều năm nay. “Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa hiện có tới gần 200 hội viên với gần 300 DN nhưng mới chỉ có số ít DN tiếp cận phương thức này với tỷ lệ khiêm tốn về sản lượng. Đối tác làm hàng FOB cũng mới được các DN “dè dặt” ưu tiên đàm phán với các đối tác quen thuộc, có uy tín và đã hợp tác lâu năm”, đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh cho biết thêm.
Theo một số DN, ngoài lợi nhuận cao hơn, sản xuất hàng FOB sẽ tăng khả năng quản lý DN. Khi có nhiều công việc hơn, cũng như cường độ công việc được đẩy lên cao, bắt buộc phải tổ chức mô hình quản lý hiệu quả và chất lượng cao hơn; đồng thời không tốn các chi phí liên quan đến vận chuyển vì toàn bộ chi phí sau khi đơn hàng giao tại cảng trong nước sẽ được phía khách hàng chi trả.
Nhanh chóng chuyển dần từ phương thức gia công xuất khẩu sang sản xuất FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) hay cao hơn là ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), thậm chí mạnh dạn làm OBM (xây dựng thương hiệu cho đến tạo mẫu thiết kế, tìm nguyên liệu đầu vào, gia công sản phẩm và chuyển sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng) phù hợp quy mô và năng lực DN là hướng đi cần thiết nhằm tăng thêm giá trị gia tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của DN. Đây cũng là một trong những khuyến nghị lớn mà Hiệp hội Dệt may Việt Nam dành cho các DN. Tuy nhiên, các DN cho biết, ngoài việc hội tụ các điều kiện về vốn và các điều kiện khác thì nguồn nguyên, phụ liệu – hạng mục chiếm tới 40 – 60% giá trị hàng hóa cũng là một bài toán chưa có lời giải vì đây hiện là điểm yếu của các nhà sản xuất trong nước.
Bài và ảnh: Tùng Lâm