Sáng 28-9, mưa lũ vẫn tiếp diễn trên địa bàn một số huyện trong tỉnh gây ngập úng cục bộ một số đoạn đường giao thông; một số tuyến taluy âm bị sạt lở.
Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật…
* Theo số liệu tổng hợp đến 9h30’ ngày 28-9, diện tích bị ngập úng trên địa bàn huyện Thọ Xuân là 500 ha; trong đó, diện tích lúa bị ngập là 62,45 ha, ngô 168 ha, ớt 15ha, mía 72,35ha, cây ăn quả 14,2ha, rau màu 101,3ha và 66,7ha ao, hồ. Ngoài ra, toàn huyện có 6 hộ dân thuộc xã Thuận Minh phải di dời.
Đến 9h30’ ngày 28-9, diện tích bị ngập úng trên địa bàn huyện Thọ Xuân là 500 ha.
Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện Thọ Xuân đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó, chỉ đạo các công ty khai thác công trình thuỷ lợi phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các HTX dịch vụ nông nghiệp điều hành tiêu nước kịp thời để hạn chế tối đa việc ngập úng.
Các công ty khai thác công trình thuỷ lợi phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các HTX dịch vụ nông nghiệp điều hành tiêu nước kịp thời.
Đồng thời, ngành chức năng và các địa phương trong huyện tăng cường kiểm tra, chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện thực hiện việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo cấp báo động. Đối với diện tích cây vụ đông đã trồng, chỉ đạo khơi thông, tạo dòng tiêu nội ruộng, nội đồng, vun gốc chống ngập úng, đổ ngã; sau mưa lớn khẩn trương thực hiện các biện pháp kỹ thuật để cây trồng phục hồi và sinh trưởng.
* Thông tin từ Sở Giao thông – Vận tải cho biết trên các Quốc lộ 217, 16, 47C đã xảy ra sạt lở taluy âm làm hư hỏng kết cấu tuyến đường.
Sạt lở taluy âm Quốc lộ 47C đoạn qua xã Tân Thọ (Nông Cống).
Theo đó, tại Quốc lộ 47C đoạn qua xã Tân Thọ (Nông Cống) bị sói lở bờ sông gây sạt lở taluy âm kéo dài 75 m, lấn sâu vào nền đường.
Sạt lở taluy âm Quốc lộ 16.
Tại Km 86+200 Quốc lộ 16 đoạn qua huyện Quan Hóa bị sạt lở taluy âm, gây đổ hệ thống lan can đường. Tại Km 176+400 đoạn qua huyện Quan Sơn xảy ra sạt lở taly âm vào nền đường làm đổ hệ thống lan can đường.
Sạt lở taluy âm trên Quốc lộ 217.
Sở Giao thông – Vận tải đã huy động các đơn vị quản lý đường bộ lập rào cảnh báo các vị trí taluy âm bị sạt lở đảm bảo các tuyến đường được lưu thông thông suốt. Trồng cọc tiêu để cảnh báo, phân luồng giao thông tại các vị trí sạt lở ta luy âm, rào chắn cảnh báo khu vực có công trình bị hư hỏng. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, nhân lực tiếp tục tuần đường, kiểm tra, cử người trực gác, đặt rào chắn, biển báo để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ.
* Tại Thạch Thành mưa lớn khiến mực nước sông Bưởi dâng cao, cận mức báo động 2 vào lúc 8h và đang lên nhanh. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) huyện đã lên phương án di dân ở một số khu vực ngoài đê bao.
Lũ trên sông Bưởi dâng nhanh do mưa lớn kéo dài.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Thạch Thành, tính đến 18h ngày 27-9 mưa lớn đã gây sạt lở đê bao xã Thạch Định (thuộc thôn Định Hưng và thôn Thành Tiến) với tổng chiều dài trên 50 m.
Mưa lớn kéo dài cũng gây ngập úng một số tuyến đường giao thông và một số vị trí tràn qua đường trên địa bàn huyện, gây ảnh hưởng đến đi lại của Nhân dân. Cụ thể là ngập cục bộ mộ số đoạn trên đường tỉnh 516B từ xã Thành Long đi xã Thành Tiến, đường tỉnh 522, đường tỉnh 217B… UBND huyện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn phân công lực lượng túc trực để hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tại xã Thạch Định.
Cũng tính đến 18 giờ ngày 27-9, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ 156,5 ha lúa mùa; 91,50 ha mía mới trồng trên địa bàn huyện. Huyện đã chỉ đạo vận hành Trạm bơm Đồng Xác với 3 tổ máy hoạt động để tiêu úng cho cây trồng…
Do nước sông Bưởi dâng cao, tối 27-9 Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS huyện Thạch Thành đã ban hành công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; trưởng các phòng, ngành, đoàn thể, cơ quan đóng trên địa bàn, thành viên Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS huyện triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.
Theo đó, các xã, thị trấn có đê triển khai ngay việc tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo cấp báo động. Rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho các đoạn đê xung yếu, vận hành đóng các cống dưới đê để ngăn không cho nước sông tràn vào trong đê.
Riêng đối với xã Thạch Định, Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS huyện yêu cầu phân công lực lượng xung kích trực tại các vị trí sạt lở thuộc khu dân cư thôn Định Hưng, thôn Thạch An để phát hiện kịp thời tình huống nguy hiểm, sẵn sàng tổ chức di dời các hộ dân trong khu vực đến nơi an toàn.
Các xã còn lại thông báo cho Nhân dân sống ở vùng ngoại đê, vùng ven sông, suối có nguy cơ bị ngập biết để chủ động sơ tán khi mực nước lên cao.
Cảnh sát giao thông huyện Thạch Thành giúp đỡ người dân di chuyển qua các đoạn đường bị ngập úng.
Ban PCTT,TKCN&PTDS huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu.
Nhóm PV và CTV