Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp, HTX, người dân đã bước đầu ứng dụng CNC vào sản xuất, hình thành được các doanh nghiệp ứng dụng CNC và manh nha xuất hiện những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả. Tuy nhiên, trước những “rào cản” đang hiện hữu, cần sự chung tay tháo gỡ của các sở, ngành, địa phương và chủ thể sản xuất.
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HTX nông nghiệp sinh thái HappyFarm tại xã Đông Tiến (Đông Sơn).
Theo Kế hoạch 260/KH-UBND, ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2030, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng, khuyến khích các thành phần kinh tế ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tính đến tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng CNC, như: vùng lúa gạo 75 nghìn ha, vùng cây ăn quả tập trung 18 nghìn ha, vùng ngô 20 nghìn ha, vùng rau 14,3 nghìn ha gieo trồng/năm, vùng mía nguyên liệu 16,5 nghìn ha, vùng cây gai xanh 6,5 nghìn ha… Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta còn khiêm tốn.
Anh Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại nông nghiệp CNC Thiên Trường 36 (Đông Sơn), cho biết: “Là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng CNC đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, để xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, đòi hỏi phải tích tụ, tập trung được diện tích đất đủ lớn và đội ngũ người sản xuất có trình độ, đam mê với nông nghiệp. Đồng thời, phải có được doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt, hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng CNC. Tuy đã nhận diện được những khó khăn và đầu tư hàng chục tỉ đồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, song công ty chưa thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh”.
Được biết, hiện, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại nông nghiệp CNC Thiên Trường 36 đã thực hiện tích tụ tập trung đất bằng cách thuê, thầu và hợp tác để nông dân địa phương góp đất sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Hiện nay, trên diện tích rộng hơn 23ha của công ty đã có hơn 6ha nhà màng, nhà lưới và 16ha sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng hữu cơ (trong đó, có hơn 2.000m2 sản xuất theo hướng thủy canh). Đồng thời, lan tỏa phong trào phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tại địa phương. Theo đó, trên địa bàn xã Đông Tiến đã có HTX nông nghiệp sinh thái HappyFarm có diện tích hơn 10ha và hàng chục hộ dân đang từng bước áp dụng CNC vào sản xuất.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện mới có 2 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Quảng Xương) với diện tích 2,8ha và Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (Yên Định) với quy mô 8.000 con. Cùng với đó, toàn tỉnh đã có 150 HTX nông nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng ứng dụng CNC vào trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC một cách đồng bộ, tỉnh đã hỗ trợ phát triển các đơn vị nghiên cứu, phát triển nguồn giống chất lượng cao, như: 2 đơn vị nuôi cấy mô để nhân giống sạch bệnh; xây dựng hoàn chỉnh quy trình, ứng dụng trên diện tích sản xuất lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và rau các loại; ứng dụng, chuyển giao công nghệ tưới nước, tiết kiệm (tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới thấm…) đối với rau an toàn, cây ăn quả và vùng mía thâm canh; phát triển các vùng chăn nuôi theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động và hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản VietGAP đạt 930ha…
Tại Báo cáo số 3573/SNN&PTNT-VP về tình hình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ, việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, như: kinh phí đầu tư ban đầu để xây dựng hệ thống và mua các thiết bị CNC mà các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất khó thực hiện; do tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập; chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thấp so với yêu cầu phát triển và hội nhập… Do đó, để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, nghiên cứu đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và nghiên cứu, áp dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai, hình thành những cánh đồng mẫu lớn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để áp dụng hiệu quả vào thực tế nhằm nhân rộng mô hình trong Nhân dân.
Bài và ảnh: Lê Hòa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhieu-kho-khan-trong-xay-dung-cac-vung-nong-nghiep-nbsp-ung-dung-cong-nghe-cao-221240.htm