Tiêm phòng vắc-xin là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Tuy nhiên, thực tế việc triển khai công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, không ít người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiêm phòng.
Cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.
Theo kế hoạch, mỗi năm, tỉnh sẽ tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ 2 đợt. Đợt 1 vào tháng 2 và tháng 3, đợt 2 vào tháng 9 và tháng 10. Mặc dù ngành nông nghiệp và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, song do nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng GSGC của một số hộ chăn nuôi chưa cao, chỉ khi có dịch bệnh hoặc khi có nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nơi khác vào địa bàn mới thực hiện tiêm phòng. Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất hiện nay của việc tiêm phòng chính là lực lượng thú y mỏng, trong khi địa bàn rộng, nhất là đối với các huyện miền núi cán bộ thú y phải đến từng nhà để vừa phổ biến, vận động, vừa triển khai công tác tiêm phòng, nên tiến độ thực hiện tiêm phòng bị ảnh hưởng, nhiều địa phương không đạt tiến độ so với kế hoạch đã đề ra.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh Lê Quang Tùng cho biết: Lang Chánh đã hoàn thành công tác phân bổ vắc-xin được hỗ trợ và bắt đầu tiêm phòng cho đàn GSGC. Tuy nhiên, thực tế tại các huyện miền núi nói chung và Lang Chánh nói riêng chăn nuôi ở mức quy mô nhỏ, lẻ, người dân còn xem nhẹ công tác tiêm phòng. Tại nhiều xã, người dân còn chăn nuôi theo phương thức chăn thả xa nơi ở, nên khi cán bộ thú y triển khai tiêm phòng thì phải thông báo trước hoặc phải chờ đến tối để hộ chăn nuôi cho GSGC về chuồng nhốt mới tiêm được, do đó cán bộ thú y rất bị động.
Hiện nay, công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh tuy đạt kế hoạch đề ra nhưng tỷ lệ không đồng đều giữa các huyện. So với các năm trước, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC tương đối ổn định nên người dân có tâm lý chủ quan, chỉ khi nào có dịch bệnh xảy ra thì người dân mới chú trọng đến việc tiêm phòng, vì thế việc tiêm phòng không đảm bảo quy định của cơ quan thú y là tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và đúng thời điểm.
Một tồn tại khác trong công tác tiêm phòng vắc-xin hiện nay là nhiều địa phương chưa chú trọng việc rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn và tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới sinh hoặc nuôi mới sau các đợt tiêm phòng chính vụ để khép kín miễn dịch cho quần thể vật nuôi theo yêu cầu phòng dịch của tỉnh. Công tác tuyên truyền và tổ chức cho các hộ chăn nuôi chủ động khai báo số lượng, đăng ký tiêm phòng và cam kết thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh nguy hiểm theo quy định của pháp luật còn hạn chế.
Có thể khẳng định, việc tiêm phòng vắc-xin cho GSGC là một trong những biện pháp chủ động, hữu hiệu để phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, để công tác tiêm phòng đợt 2/2023 đạt kết quả cao, ngoài sự chỉ đạo từ ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, sự nỗ lực từ phía lực lượng thú y, thì các hộ chăn nuôi cũng phải tự giác.
Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đặng Văn Giang cho biết: Cuối năm thời tiết thường diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng đối với dịch bệnh trên đàn GSGC, nếu không thực hiện là vi phạm quy định của nhà nước. Các địa phương cần thực hiện rà soát, thống kê chính xác tổng đàn GSGC chưa được tiêm; bố trí kinh phí dự phòng của địa phương để hỗ trợ vắc-xin cho các hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện về lao động, vật tư, kỹ thuật… để thực hiện tiêm phòng có kết quả cao, an toàn, ghi chép và báo cáo đầy đủ theo quy định. Thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe đàn vật nuôi sau tiêm phòng để có các biện pháp xử lý kịp thời các sự cố xảy ra. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng.
Bài và ảnh: Lê Ngọc