Hướng tới việc xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, Thư viện tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc. Qua đó, từng bước nâng cao dân trí, phát triển tư duy, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho con người, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Các em học sinh tham gia triển lãm sách báo tại Thư viện tỉnh.
Có mặt tại triển lãm sách, báo do Thư viện tỉnh tổ chức, các em học sinh và người dân được tham quan chiêm ngưỡng hàng nghìn bản sách, báo hay có giá trị. Các bản sách, báo được cán bộ, nhân viên thư viện trưng bày đẹp mắt, hấp dẫn, dễ tiếp cận. Em Trịnh Hoàng Linh, học sinh Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa) cho biết: “Đến với triển lãm sách báo em được hòa mình vào không gian toàn những cuốn sách, truyện hay hấp dẫn. Không những vậy em còn được đọc những cuốn sách, truyện mà em yêu thích và được trao đổi cùng bạn bè về nội dung của những cuốn sách”. Còn với bác Nguyễn Văn Nam (TP Thanh Hóa), mỗi lần biết được thông tin Thư viện tỉnh sẽ tổ chức triển lãm sách báo là bác đều tham gia. Bác Nam chia sẻ: “Tham gia triển lãm sách báo của Thư viện tỉnh tôi có cơ hội được tiếp cận với nhiều cuốn sách hay, quý. Do đó, tôi luôn dành thời gian để tham gia các hoạt động giới thiệu sách của Thư viện tỉnh”.
Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết: “Hằng năm, nhân dịp tết, ngày lễ, các sự kiện của tỉnh và đất nước, Thư viện tỉnh thường tổ chức trưng bày sách, báo giới thiệu đến các bạn đọc. Như năm 2024, Thư viện tỉnh đã tổ chức 16 cuộc trưng bày, triển lãm sách báo, tư liệu, hình ảnh chuyên đề và thu hút 6.752 lượt bạn đọc. Đồng thời, tổ chức các hoạt động như: mời diễn giả nói chuyện sách, tổ chức hội thi kể chuyện theo sách, vẽ tranh… Các sự kiện đã góp phần giới thiệu sách, báo hay đến với bạn đọc, tạo sự kết nối giữa người dân với sách và thư viện, khuyến khích đam mê đọc sách của người dân”.
Cùng với triển khai các hoạt động tại thư viện, Thư viện tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các trường học, địa phương tổ chức các ngày hội đọc sách và phục vụ xe ô tô thư viện lưu động. Năm 2024, Thư viện tỉnh đã tổ chức phục vụ xe ô tô thư viện lưu động về 53 điểm trường học trên địa bàn tỉnh. Tại những điểm đến, Thư viện tỉnh đã tuyên truyền về vai trò của sách, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho mọi tầng lớp Nhân dân. Với nhiều hoạt động trưng bày, phục vụ bạn đọc, hoạt động của xe thư viện lưu động và ngày hội đọc sách đã tạo không gian, môi trường mới cho người dân các địa phương được tiếp cận nhiều sách hay, sách đẹp, khơi dậy đam mê đọc sách và kỹ năng đọc sách của người dân.
Có được kết quả đó, Thư viện tỉnh thường xuyên đổi mới hoạt động tại thư viện và cơ sở; tăng cường kết nối với các tác giả, nhà xuất bản, nhà sách tổ chức các chương trình hoạt động giới thiệu sách hay, sách quý, sách mới. Đồng thời, thường xuyên dành kinh phí để bổ sung sách mới; huy động mọi nguồn lực ủng hộ sách, báo cho thư viện, nâng cao số lượng, chất lượng sách, báo, tạp chí tại thư viện.
Để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh đã chú trọng công tác luân chuyển sách, báo đến các tủ sách, thư viện, phòng đọc báo tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đơn vị không ngừng lựa chọn, bổ sung vốn tài liệu, xây dựng kho sách luân chuyển. Hàng năm, ngoài nguồn sách mua theo kinh phí ngân sách cấp, sách chương trình mục tiêu quốc gia, Thư viện tỉnh còn nhận được nguồn sách tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh, các nhà xuất bản. Trung bình mỗi năm thư viện luân chuyển khoảng 3.500 – 4.000 bản sách xuống thư viện huyện, xã, tủ sách dòng họ và trại giam. Để nguồn sách luân chuyển phong phú, tạo “sức sống mới” cho thư viện cơ sở, trước khi thực hiện luân chuyển sách, cán bộ Thư viện tỉnh chủ động khảo sát nhu cầu đọc của bạn đọc tại cơ sở. Từ đó, lựa chọn, bổ sung vốn tài liệu vào kho luân chuyển cho phù hợp với nhu cầu của cơ sở. Việc luân chuyển sách về cơ sở đã góp phần xây dựng hệ thống thư viện phát triển bền vững với nguồn tư liệu đa dạng phong phú, thường xuyên được làm mới, thu hút sự quan tâm của độc giả.
Cùng với luân chuyển sách, cán bộ thư viện còn hướng dẫn thư viện cơ sở cách xây dựng, bố trí tủ sách, kho sách sao cho khoa học, hấp dẫn bạn đọc; hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động đọc và giới thiệu sách đến với người dân.
Thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thư viện tỉnh xác định lấy bạn đọc là trung tâm. Do đó, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của sách và việc đọc sách đối với mỗi người và cộng đồng. Hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng phong phú thông qua các sự kiện ngày hội đọc sách, trưng bày sách, báo; thông qua các bài tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, pano, áp phích… Cùng với đó, Thư viện tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; khuyến khích các trường học xây dựng mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thông minh”…
Với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, Thư viện tỉnh đã và đang khơi dậy đam mê đọc sách của người dân, xây dựng thói quen đọc sách, từng bước hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bài và ảnh: Quỳnh Chi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhieu-hoat-dong-thuc-day-van-hoa-doc-245168.htm