Xã Thành Lộc (Hậu Lộc) đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp cận và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ.
Nhà văn hóa thôn Thành Phú được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Chị Nguyễn Thị Hòe, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mi giả xuất khẩu, thôn Thành Đông, cho biết: “Trước đây cả hai vợ chồng tôi đều đi làm ăn xa bằng nhiều nghề khác nhau, công việc vất vả lại không có thời gian chăm sóc con nhỏ. Thấy ở quê có nhiều lao động nông nhàn trong khi đời sống còn khó khăn, vợ chồng tôi đã về quê lập nghiệp mở cơ sở sản xuất mi giả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu/người/tháng”. Nhờ có những người mạnh dạn đưa nghề về quê như chị Hòe nhiều chị em có con nhỏ, người già, người khuyết tật ở xã Thành Lộc có việc thêm việc làm, ổn định cuộc sống ngay tại quê hương.
Trong nông nghiệp, xã Thành Lộc còn tập trung nâng cao giá trị sản xuất với nhiều cách làm linh hoạt. Xã phát triển mạnh các giống lúa chất lượng cao, duy trì diện tích trồng trọt 580ha, trong đó, diện tích trồng lúa gần 30ha. HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thành Lộc đã thực hiện ký kết hợp đồng với Công ty CP Thương mại Sao Khuê ở xã Đông Hoàng (Đông Sơn) để sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao với hơn 220 tấn lúa thương phẩm được thu mua mỗi năm. Trong xã cũng đã hình thành 19 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao như: trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây lâm nghiệp; nuôi thả thủy sản… Nhiều mô hình cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Đàn gia súc, gia cầm toàn xã hiện có khoảng 75.000 con. Hoạt động chăn nuôi hàng năm đem lại cho địa phương nguồn thu từ 7 đến 10 tỷ đồng.
Để người dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xã Thành Lộc đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể quan tâm rà soát, làm tốt vai trò cầu nối giúp các hộ có nhu cầu về vốn được tiếp cận kịp thời các chương trình tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đạt gần 30 tỷ đồng. Cùng với đó, hội LHPN, hội nông dân xã đã vận động hộ gia đình hội viên có điều kiện kinh tế khá giả quan tâm, giúp đỡ hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp đỡ nhau về ngày công lao động; đồng thời chỉ đạo các tổ chức hội tạo điều kiện cho hội viên khó khăn vay nguồn quỹ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn xã Thành Lộc đã có sự phát triển khá đồng đều.
Ông Bùi Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lộc, cho biết: “So với những năm trước đây, đời sống của người dân trong xã đã được nâng lên rõ rệt. Hằng năm, các chỉ tiêu về kinh tế như giá trị sản xuất nông nghiệp; giá trị thu từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đều đạt vượt so với kế hoạch. Thu nhập được cải thiện, người dân đã tích cực hơn trong việc hưởng ứng chương trình XDNTM nâng cao, đóng góp kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn cũng như đầu tư mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa, dụng cụ thể thao ngoài trời phục vụ hoạt động văn nghệ, thể thao. Cụ thể, năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, xã hoàn thành xây dựng các công trình xây dựng vỉa hè và cây xanh khu dân cư Đồng Gò Mụ, xây dựng mới lại Đình Trung, tôn tạo tu sửa nghè Đông; Nhân dân thôn Thành Phú đóng góp kinh phí xây dựng các tuyến đường giao thông nội thôn với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; Nhân dân thôn Thành Đông tu sửa, cải tạo, nâng cấp nghè Đông với số tiền trên 600 triệu đồng…”.
Với việc triển khai các giải pháp gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương, đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Thành Lộc đạt gần 65 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1,8%. So với mặt bằng chung của huyện, thu nhập của người dân xã Thành Lộc đến thời điểm hiện tại chưa phải là cao nhưng đối với xã thuần nông, địa hình ở xa trung tâm huyện, xuất phát điểm còn nhiều hạn chế thì kết quả này đã cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực lớn của địa phương trong thực hiện mục tiêu sau cùng của chương trình XDNTM là không ngừng cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn. Năm 2024, xã Thành Lộc phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 70 triệu đồng.
Bài và ảnh: Minh Hà