Chương trình OCOP đã đánh thức được nhiều sản phẩm tiềm năng, chủ lực của địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có tiềm năng, lợi thế vẫn loay hoay chưa phát triển được sản phẩm OCOP, hoặc có sản phẩm nhưng chưa phát huy được giá trị.
Dù đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định song sản phẩm tôm nõn tươi Hiếu Thảo của HTX sản xuất, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nông thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương) vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng.
Xã Quảng Chính (Quảng Xương) nổi tiếng với các sản phẩm thủy sản và cây đào phai hoa kép. Mặc dù lựa chọn được sản phẩm chủ lực, thế mạnh, song để các sản phẩm được gắn sao OCOP không phải dễ dàng. Bên cạnh đó, theo yêu cầu, để đạt chuẩn xã NTM nâng cao, địa phương phải có ít nhất một sản phẩm OCOP. Những tháng cuối năm 2022, xã đã khuyến khích và ráo riết vào cuộc để tìm ra sản phẩm OCOP. Qua nhiều lần rà soát, tìm kiếm, vận động các chủ thể sản xuất tiềm năng, UBND xã đã lựa chọn sản phẩm tôm nõn tươi Hiếu Thảo của HTX sản xuất, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nông thủy sản Quảng Chính để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Giám đốc HTX Phạm Bá Thảo cho biết: Với các sản phẩm nuôi trồng thủy sản, HTX luôn sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, quy trình chế biến bảo đảm quy chuẩn nên khi được xã lựa chọn chúng tôi đã nỗ lực phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao đợt 1 năm 2023. Từ đó, góp phần công sức để xã cán đích NTM nâng cao.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Thảo, việc thành công “gắn sao” OCOP là nhiệm vụ đặc biệt, mang tính cấp thiết. Bởi, ở thời điểm cuối năm 2022 các quy trình sản xuất sản phẩm đã bảo đảm, song HTX chưa có nhà xưởng chế biến nên phải thuê ở một đơn vị khác. Hơn nữa, các sản phẩm chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên chưa phải thời cơ chín muồi để trở thành OCOP. Thậm chí, sau gần 1 năm gắn sao, sản phẩm vẫn chưa đạt được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.
Thực tế cho thấy, không phải địa phương nào cũng có lợi thế và xác định sản phẩm chủ lực để phát triển thành sản phẩm OCOP. Hoặc đã xác định được sản phẩm tiềm năng, song chủ thể chưa đủ năng lực để tạo được bứt phá trong hành trình gắn sao cho sản phẩm. Đó là câu chuyện phát triển sản phẩm OCOP tỏi đen Suzin của hộ sản xuất Hoàng Thị Loan ở thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).
Dù chủ thể đã mạnh dạn đăng ký phát triển sản phẩm tỏi đen Suzin thành sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2021. Song, qua nhiều lần rà soát, đánh giá của huyện, sản phẩm vẫn không đủ điều kiện để công nhận. Bà Hoàng Thị Loan, chủ thể sản xuất cho biết: Do sản phẩm tỏi đen thuộc nhóm sản phẩm dược liệu và có nguồn gốc dược liệu nên quy trình và tiêu chuẩn đánh giá khắt khe. Bên cạnh những điểm chung, sản phẩm cần có bảng đánh giá, phân tích dược tính, bảng tự công bố chất lượng… Nhưng những yêu cầu này khá mất thời gian và kinh phí nên là trở ngại lớn cho chủ thể sản xuất. Dù UBND thị trấn và phòng chuyên môn của huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ, song chúng tôi phải loay hoay gần 2 năm mới có thể hoàn thiện quy trình để được công nhận OCOP vào đợt 2 năm 2023.
Qua 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, trọng tâm gắn với XDNTM theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 396 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao và 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh, việc phát triển được sản phẩm OCOP lại càng trở nên quan trọng, không thể lơ là. Bởi, đây là chỉ tiêu không thể thiếu trong XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Do vậy, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ tăng nhanh theo từng năm.
Để xây dựng được sản phẩm OCOP chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường thì các địa phương cần phải lựa chọn được sản phẩm có tính đặc trưng, độc đáo và bảo đảm chất lượng, quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, trong quá trình hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, cần chú trọng đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, nhằm trợ lực cho các chủ thể, chính quyền các cấp cần linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP; hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cung cấp thông tin kết nối… để sản phẩm được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong, ngoài tỉnh, góp phần phát huy giá trị của chương trình và danh hiệu sao OCOP.
Bài và ảnh: Lê Hòa