Trong 10 phiên thảo luận, các tham luận, ý kiến đánh giá tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý, chuyên gia đã gợi mở các giải pháp giúp cơ quan báo chí nâng cao năng lực cạnh tranh trong Kỷ nguyên số.
Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các toà soạn”. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Với 10 phiên thảo luận chuyên sâu về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ Chuyển đổi số, chiều 16/3, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã chính thức bế mạc.
Dự phiên bế mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các ban, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Đây là lần đầu tiên một diễn đàn quy mô lớn về báo chí được tổ chức trong Hội Báo toàn quốc.
Với sự tham dự của hơn 60 diễn giả là các nhà báo kinh nghiệm trong nước cùng các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín, Diễn đàn là sinh hoạt nghiệp vụ chất lượng cao về các chủ đề nóng, được giới báo chí quan tâm.
Diễn đàn gồm 10 phiên thảo luận về các chủ đề: “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí;” “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí;” “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội;” “Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI;” “Phát thanh năng động trong môi trường số;” “Đa dạng hóa nguồn thu các cơ quan báo chí;” “Vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí trong Kỷ nguyên số…”
Phiên thảo luận “Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI”. (Ảnh: TTXVN phát)
Với chủ đề hấp dẫn, các phiên thảo luận thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cả nước, qua đó đưa ra nhiều nhận định, đánh giá quan trọng.
Trong phiên thảo luận “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí,” các diễn giả, nhà báo đã khẳng định tính Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động báo chí cách mạng.
Các ý kiến cũng chỉ ra thách thức báo chí trong thời đại hiện nay như tâm lý, thị hiếu công chúng thay đổi, chậm đổi mới trong phương thức quản trị tòa soạn…
Trong phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí,” các ý kiến đều nhấn mạnh môi trường văn hóa báo chí là bệ đỡ để báo chí Việt Nam phát triển đúng định hướng, chuyên nghiệp. Do đó, cần đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí…
Thảo luận về “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn,” các diễn giả nhận định báo chí trong Kỷ nguyên số sẽ không thể tách rời công nghệ, thậm chí công nghệ đang dẫn dắt báo chí và đa phần các tòa soạn lớn sẽ phát triển theo xu hướng trở thành các tập đoàn công nghệ-truyền thông…
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu bế mạc. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết trong 10 phiên thảo luận, Diễn đàn đã đón nhận rất nhiều tham luận, ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý, các chuyên gia, gợi mở những giải pháp giúp cơ quan báo chí nâng cao năng lực cạnh tranh trong Kỷ nguyên số hiện nay.
Hy vọng các ý kiến chất lượng được đưa ra ở các phiên thảo luận sẽ được hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực trong báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay./.
Theo Vietnam+