Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8% trong năm 2025, Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm, gia hạn nhiều sắc thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Dù các chính sách này có thể khiến nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn bị giảm nhẹ, song về dài hạn sẽ tác động tích cực tới phục hồi kinh tế và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Nhờ chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Công ty TNHH Thành Minh MTC đẩy mạnh đầu tư mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất.
Là một địa phương có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, những chính sách này giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa, tạo đà bứt phá trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.
Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã nhiều lần được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi về thuế, góp phần không nhỏ vào sự phát triển sản xuất, kinh doanh. Một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi là Công ty TNHH Thành Minh MTC chuyên hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng và thi công lắp đặt công trình điện. Giám đốc Công ty Lê Minh Công chia sẻ: “Chúng tôi rất hoan nghênh việc Nhà nước tiếp tục duy trì các chính sách giảm thuế trong năm 2025. Những chính sách thiết thực này giúp công ty tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, từ đó mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thêm vào dây chuyền công nghệ hiện đại”.
Ông Công cho biết thêm: “Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí đầu vào, giúp công ty điều chỉnh giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của các gói thầu xây lắp điện trên thị trường trong nước. Không chỉ vậy, chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cũng là một cú hích quan trọng đối với doanh nghiệp. Nhờ mức giảm 30% chi phí thuê đất, chúng tôi đã có thêm nguồn lực để mở rộng bãi tập kết vật tư, xây dựng kho chứa thiết bị điện và đầu tư vào hạ tầng phục vụ thi công, qua đó nâng cao hiệu quả các dự án cũng như năng lực đáp ứng các hợp đồng lớn”.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, ngay cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang cảm nhận rõ rệt hiệu quả tích cực từ những chính sách thuế mới. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hương Việt Lê Thị Hương, cho biết: “Sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh và biến động kinh tế toàn cầu, chính sách giảm thuế VAT như một phao cứu sinh cho ngành du lịch. Chi phí đầu vào giảm giúp chúng tôi có thể đưa ra các gói dịch vụ ưu đãi hơn cho du khách, kích cầu du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế quay trở lại với Thanh Hóa”.
Điểm đáng chú ý là Luật Quản lý thuế (sửa đổi), có hiệu lực từ đầu năm 2025 đã bổ sung nhiều quy định mới, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng tính minh bạch trong quản lý thuế. Việc áp dụng công nghệ số trong khai báo và nộp thuế đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn trước đây gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện các thủ tục thuế.
Không dừng lại ở đó, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất và thuê mặt nước trong năm 2025. Chính sách này từng được áp dụng liên tục từ năm 2020 đến năm 2024 và đã chứng minh hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh duy trì hoạt động ổn định, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào gia tăng và sức mua có phần chững lại. Thanh Hóa với lợi thế về diện tích đất đai rộng lớn dành cho công nghiệp, dịch vụ và du lịch, càng trở thành địa phương được thụ hưởng lớn từ chính sách này.
Theo thống kê của Chi cục Thuế khu vực X, chỉ trong quý I/2025 hơn 1.200 doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế VAT, gần 800 doanh nghiệp được gia hạn tiền thuê đất, và khoảng 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp nặng được giảm 30% phí thuê mặt nước. Tổng số tiền hỗ trợ lên tới hàng trăm tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế địa phương.
Không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ khó khăn ngắn hạn, chính sách thuế còn là bệ đỡ dài hạn cho chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Theo đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, các chính sách thuế ưu đãi đang là nguồn lực hỗ trợ quan trọng, không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn tạo đà tăng trưởng bền vững cho những năm tiếp theo. Sự đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp lúc này được ví như “ngọn gió lành” giúp cánh buồm kinh tế xứ Thanh căng gió vươn xa hơn trên hành trình phát triển.
Ngoài ra, ngành thuế Thanh Hóa cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để đảm bảo các chính sách ưu đãi được triển khai đồng bộ và kịp thời. Đồng thời, tập trung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải đáp vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, những nỗ lực của Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ về thuế không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính, mà còn góp phần củng cố niềm tin vào triển vọng kinh tế năm 2025. Với sự đồng hành chặt chẽ này, cộng đồng doanh nghiệp tại Thanh Hóa hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào một năm phát triển sôi động, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước và tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực Bắc Trung bộ.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhieu-chinh-sach-thue-ho-tro-doanh-nghiep-245363.htm