Khát vọng xây dựng TP Thanh Hóa giàu đẹp được hun đúc qua bao thế hệ và càng được thôi thúc mãnh liệt hơn khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, mở ra tầm nhìn tương lai và cơ hội phát triển đầy hứa hẹn, để TP Thanh Hóa vươn tới tầm cao mới.
Đô thị Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I, mở ra tầm nhìn tương lai và cơ hội phát triển mới cho thành phố.
Mở cánh cửa cho tương lai
Bắt đầu từ dấu mốc quan trọng năm 1994 khi công bố thị xã Thanh Hóa lên TP Thanh Hóa, tròn 3 thập kỷ chuyển mình, TP Thanh Hóa đã rất nỗ lực để từ đô thị loại III trở thành đô thị loại I; từ vị thế của một đô thị tỉnh lỵ chủ yếu đóng vai trò kết nối trong tỉnh, trở thành một thành phố năng động và hiện đại, có vai trò, vị trí quan trọng trong sự liên kết, kết nối, phát triển vùng Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng ra phía Bắc và sang Lào.
Trong dòng chảy đổi mới và phát triển ngày một cao hơn đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh định hướng phát triển của thành phố cho phù hợp với xu thế chung. Vì vậy, Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã xác định mở thêm hướng phát triển về phía Tây (huyện Đông Sơn) để gắn kết TP Thanh Hóa với tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và kết nối mạnh hơn sự phát triển của trung tâm động lực kinh tế là TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn – khu vực miền Tây của tỉnh. Đồng thời, phát triển về phía Đông Bắc (khu vực Hoằng Quang – Hoằng Đại) để hình thành đô thị hai bờ sông Mã. Cùng với TP Thanh Hóa, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đông Sơn đến năm 2040 cũng xác định Đông Sơn là vùng kết nối giữa vùng trung tâm đô thị TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn với các vùng phía Tây tỉnh Thanh Hóa; là vùng mở rộng đô thị trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Thanh Hóa; vùng hỗ trợ cho TP Thanh Hóa về quỹ đất dự trữ phát triển mở rộng đô thị dựa trên tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, truyền thống lịch sử.
Để tạo tiền đề cho công cuộc mở rộng không gian phát triển và nâng tầm vị thế đô thị loại I của một tỉnh lớn, ngày 5/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I. Theo Quyết định số 795/QĐ-TTg, đô thị Thanh Hóa bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hiện hữu với tổng diện tích tự nhiên là 228,214km2. Sau sáp nhập, đô thị Thanh Hóa không trở thành đô thị loại II mà vẫn đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại I. “Đây là tiền đề quan trọng, tạo ra thế và lực mới để TP Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn trong tương lai” như Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân từng nhấn mạnh.
Đô thị Thanh Hóa nằm ở vị trí quan trọng của đồng bằng sông Mã, sông Chu, có vị trí trung tâm, giao nhau giữa sông Mã, sông Chu tại Ngã ba Đầu trước khi ra cửa Hới. Tại vị trí này đã diễn ra quá trình thông thương và giao thoa, kết tinh văn hóa hàng nghìn năm theo hướng Đông – Tây, từ vùng rừng núi phía Tây xuôi sông Chu, sông Mã và từ phía Đông theo các cửa biển Lạch Hới, Lạch Trường lên đất liền. Vị trí địa lý quan trọng này hội tụ nhiều lợi thế để đô thị Thanh Hóa phát triển đa dạng về dịch vụ thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ khoa học – kỹ thuật và nguồn nhân lực; đồng thời là một hậu phương vững chắc đảm bảo an ninh – quốc phòng của quốc gia.
Đô thị Thanh Hóa sẽ phát triển theo mô hình “Tập trung, đa tâm” và điều chỉnh mô hình “Vành đai – xuyên tâm” thành mô hình “Vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm”. Lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã và hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị. Lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “3 trục phát triển – 6 trung tâm – 1 hành lang sinh thái tự nhiên”. 3 trục phát triển gồm: Trục truyền thống theo hướng Bắc – Nam dọc Quốc lộ 1A cũ, nối các khu vực phát triển truyền thống của đô thị gồm khu vực Hàm Rồng, khu vực Hạc Thành và khu vực cầu Quán Nam. Trục phát triển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam theo các trục Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Đại lộ Đông – Tây, Đại lộ Nam sông Mã; nối các khu vực phát triển đô thị hiện đại từ nút giao đường cao tốc Đông Xuân, qua trung tâm hiện hữu của thành phố, kết nối với thành phố du lịch biển Sầm Sơn. Trục phát triển mới theo hướng Tây Nam – Đông Bắc từ đường trung tâm thành phố đi Cảng Hàng không Thọ Xuân qua Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Nguyễn Hoàng đi biển Hải Tiến, kết nối các khu vực có vai trò động lực phát triển mới. 6 trung tâm tích hợp gồm trung tâm hiện hữu, trung tâm Hàm Rồng – Núi Đọ, trung tâm Đông Nam, trung tâm Đông Bắc, trung tâm phía Tây và trung tâm phía Tây Nam. Một hành lang sinh thái tự nhiên hình thành dọc sông Mã phù hợp với thủy văn và cảnh quan bên sông.
Với phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, quy mô nền kinh tế của thành phố mới sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, không chỉ có công nghiệp phát triển mạnh với 3 khu công nghiệp hiện tại là Lễ Môn, Hoàng Long, Đình Hương – Tây Bắc Ga, mà còn có thêm những khu, cụm công nghiệp mới trên địa bàn huyện Đông Sơn (cũ). Thành phố cũng sẽ có thêm những xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, có thêm những làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, có thêm những mô hình canh tác nông nghiệp kiểu mẫu, hiệu quả cao, đóng góp cho nền kinh tế của thành phố nhiều hơn. Với tầm nhìn dài hạn, đô thị Thanh Hóa trong tương lai sẽ trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục – đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được đảm bảo, hướng tới thành phố thông minh, văn minh và hiện đại.
Niềm tin và kỳ vọng
Với vị thế mới, tiềm năng, lợi thế lớn, cùng mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp khả thi, hành trình tạo dựng diện mạo “Đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và có bản sắc” của TP Thanh Hóa đã và đang có cơ sở để được hiện thực hóa trong tương lai gần. Ông Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị (TP Thanh Hóa) cho biết: “Để tạo kiến trúc cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, tương xứng với chức năng của đô thị loại I, tỉnh và TP Thanh Hóa tiếp tục rà soát và bám sát các nội dung Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung xây dựng một số công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn nhằm tạo sự đột phá, tạo điểm nhấn về chất lượng hạ tầng theo các tiêu chí của đô thị loại I. Đồng thời, tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn phân loại đô thị loại I còn chưa đạt, nhất là hoàn thiện các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng thương mại và đất cây xanh sử dụng công cộng tại khu vực các phường mới thành lập. Song song với đó, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị cần đạt được cho từng năm và 5 năm, phù hợp quy hoạch chung đô thị và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lập danh mục các dự án đầu tư phát triển đô thị làm cơ sở để bố trí nguồn vốn và huy động các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị Thanh Hóa”.
Đô thị Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I, mở ra tầm nhìn tương lai và cơ hội phát triển mới cho thành phố.
Tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của đô thị Thanh Hóa trong tương lai, ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: “Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I không chỉ cho thấy sự kỳ vọng của Trung ương dành cho mảnh đất đã và đang phát triển năng động, mà còn góp phần thôi thúc ý chí tự lực tự cường, tinh thần chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Với vị thế mới, tôi tin rằng cấp ủy, chính quyền TP Thanh Hóa sẽ có những quyết sách mới, những giải pháp mang tính đột phá để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sau khi mở rộng địa giới hành chính, đưa TP Thanh Hóa tăng tốc mạnh mẽ, trở thành 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước vào năm 2030 như mục tiêu đã đặt ra”.
Cùng chung quan điểm, chị Lê Thị Gái, xã Đông Nam (Đông Sơn) chia sẻ: “Những nét tương đồng về văn hóa, truyền thống cách mạng và không gian địa lý sẽ tạo nên sự hòa hợp sau khi sáp nhập. Đây là nhân tố đóng vai nền tảng để đô thị Thanh Hóa sớm có những bước phát triển đột phá. Đối với người dân chúng tôi, sáp nhập không đơn thuần chỉ là thay đổi một tên gọi, mà quan trọng hơn là kỳ vọng về sự đổi thay từ cư dân nông nghiệp trở thành cư dân đô thị với đời sống ngày càng được nâng cao. Chúng tôi sẽ đoàn kết, chung tay thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước để xây dựng TP Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Một thời kỳ mới đang mở ra, một giai đoạn tăng tốc cao hơn, toàn diện hơn đã bắt đầu. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa phải có một quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn. Nhiệm vụ có thể khó khăn hơn, thách thức lớn hơn, nhưng tin rằng một thành phố với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, luôn có những cách làm mới, những bước đi đột phá với nhiều dấu ấn nổi bật đã được khẳng định trong thời gian qua sẽ có quyết tâm đủ lớn để khơi dậy khát vọng cống hiến và huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để bước những bước dài, vững chắc, tiếp tục chinh phục những mục tiêu lớn, mục tiêu quan trọng mà Trung ương và tỉnh đặt ra và hướng tới, đưa thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, xứng đáng là “trái tim” của cả tỉnh, một đầu tàu phát triển của khu vực trong giai đoạn phát triển mới.
Bài và ảnh: Tố Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhap-huyen-dong-son-vao-tp-thanh-hoa-tao-vung-dong-luc-mo-cho-thanh-pho-phat-trien-bai-cuoi-vuon-toi-tam-cao-moi-233077.htm