Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng khoa học – kỹ thuật, phát triển đa dạng các loại con nuôi đặc sản. Từ đó, góp phần xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình nuôi chồn hương tại xã Thọ Tân (Triệu Sơn).
Thanh Hóa hiện có 2,47 triệu con nuôi đặc sản với hơn 1.000 hộ được cấp phép nuôi. Bên cạnh các đối tượng con nuôi phổ biến như: dê, lợn rừng, thỏ, rùa câm… thì thời gian qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chăn nuôi các loại mới như dúi, nhím, cầy hương, dế… có giá trị kinh tế cao.
Tại xã Bình Sơn (Triệu Sơn), anh Lò Văn Quyền, chủ hộ chăn nuôi cầy hương cho biết: “Thịt cầy hương có giá trị dinh dưỡng cao, ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng. Song, cầy hương vốn là loài động vật hoang dã nên khi mới bắt tay vào nuôi, người dân sẽ gặp không ít khó khăn, phải dành thời gian để đi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ về đặc tính, cách chăm sóc. Tôi phải làm thủ tục xin giấy phép chăn nuôi và liên hệ với những cơ sở có uy tín tại Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên… để tìm nguồn giống chất lượng. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng chuồng nuôi ở khu vực thoáng mát, nền bê tông có độ dốc giúp được thoát nước dễ dàng và thường xuyên vệ sinh chuồng trại để chồn không bị bệnh. Bên cạnh đó, với bản tính hoang dã rất dữ, nên chuồng nuôi cần được xây dựng kiên cố bao quanh bằng lưới sắt để cầy không chui ra ngoài”. Cũng theo chia sẻ của anh Quyền, cầy hương là động vật ăn tạp, ưa thích chuối, chúng ăn vào ban đêm, ngủ ngày; con cái 1 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con. Với mỗi giai đoạn, cầy hương được bán với giá khác nhau, dao động từ 10 đến 45 triệu đồng/cặp trở lên”.
Được biết, trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã và đang nhân rộng nhiều mô hình nuôi con đặc sản như: nuôi thỏ Newzealand, dúi, ếch, dế, lươn không bùn, chim bồ câu, chồn hương… Hầu hết các hộ đều có ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi con đặc sản, tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là con nuôi không có đầu ra ổn định, phụ thuộc vào từng thời điểm trong năm, kén người mua, nếu không có định hướng tiêu thụ thì hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Đơn cử như tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa), trước năm 2018, toàn xã có gần 170 hộ nuôi rùa kết hợp ba ba, mô hình đã mang lại thu nhập “khủng” cho người nuôi. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, sản phẩm phần lớn được xuất sang thị trường Trung Quốc nên đầu ra bị phụ thuộc, thường hay xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”; giá rùa câm giảm sâu, trong khi số rùa thương phẩm và rùa con sinh sản ngày một tăng lên nên nhiều hộ đã phải giảm đàn hoặc bán rẻ con giống để dừng sản xuất. Mặt khác, nuôi con đặc sản cạnh tranh bởi số ít và quý hiếm, nhưng khi trở nên phổ biến, nguồn cung vượt quá cầu thì đầu ra của sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hộ mới nuôi, chưa thu hồi được vốn…
Mô hình nuôi con đặc sản có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu có thị trường tiêu thụ ổn định và được tập huấn khoa học – kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng, chữa dịch bệnh. Vì vậy, trước khi nuôi, người dân nên cân nhắc kỹ về đầu ra của sản phẩm. Các địa phương cần hỗ trợ, định hướng cho người dân con nuôi phù hợp với điều kiện, không chạy theo phong trào, tự phát, giá cao thì tăng đàn ồ ạt dẫn đến giá con giống tăng, giá thấp thì giảm đàn dẫn đến khủng hoảng thiếu. Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần chủ động liên kết với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, tìm hiểu về các đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, thực hiện các biện pháp về phòng, tránh dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhan-rong-mo-hinh-nuoi-con-dac-san-217817.htm