Nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của thành viên.
Diện tích sản xuất lan Hồ Điệp của HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn).
Là một trong những HTX tiên phong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn) đã xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại và chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả đạt chất lượng cao.
Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Thiên cho biết: “Từ năm 2018 HTX xây dựng hệ thống nhà màng để sản xuất các loại rau, củ, quả an toàn. Đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới tự động, phun sương, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm của HTX đạt chuẩn VietGAP, được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình một năm HTX cung ứng khoảng 120 tấn rau, củ, quả cho các thị trường Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, Nghệ An… Doanh thu hằng năm đạt 17 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 20%”.
Được biết, sau thời gian ứng dụng CNC vào sản xuất, HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến đã xây dựng được 11 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 3,5ha trồng các loại dưa Kim Hoàng Hậu, dưa chuột baby và các loại rau an toàn. Đầu năm 2024, HTX đã xây dựng thêm gần 2.000m2 nhà màng để nhận chuyển giao công nghệ, đưa vào sản xuất khoảng 1.000m2 lan hồ điệp để phục vụ thị trường dịp tết. Với việc đầu tư sản xuất giống lan nuôi cấy mô, HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến đã khẳng định được sự nổi trội trong ứng dụng CNC vào sản xuất.
Việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp cũng được HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (Thường Xuân) thực hiện gần 5 năm nay. HTX ứng dụng CNC trong trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu và rau, củ, quả an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP. 100% diện tích sản xuất của HTX được ứng dụng CNC, từ khâu chọn giống, gieo hạt, ươm mầm, đến trồng thương phẩm. Nhờ luôn quan tâm đến sản xuất sạch, an toàn, năng suất và giảm nhân công lao động, nên việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới, được ưu tiên hàng đầu… Bà Hoàng Thị Lài, thành viên HTX, cho biết: Từ khi HTX ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, trình độ sản xuất và thu nhập của thành viên được nâng lên. Không chỉ được tham gia tập huấn, chuyển giao công nghệ mà người sản xuất còn được tiếp cận với tư duy sản xuất hiện đại, xây dựng các chuỗi liên kết bền vững gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ áp dụng CNC và hệ thống nhà màng, nhà lưới mà sản phẩm ít bị tác động từ môi trường bên ngoài, hạn chế sâu bệnh, năng suất đạt cao hơn sản xuất truyền thống, được người tiêu dùng và thị trường đánh giá cao về chất lượng”.
Thực tế cho thấy, cùng với mong muốn đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương phát triển rộng rãi trên thị trường, nhiều HTX nông nghiệp khác trong tỉnh cũng đang nỗ lực trong khẳng định vị thế bằng cách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 9/2024 có khoảng 150 HTX nông nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng, ứng dụng CNC vào quá trình sản xuất. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng CNC và các chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, ứng dụng CNC vào sản xuất ở các HTX nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản CNC ở các HTX chưa thực sự hiệu quả. Đáng chú ý, tiềm lực kinh tế của các HTX còn yếu nên chưa đủ kinh phí để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng cho việc ứng dụng CNC vào sản xuất…
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hồng Hải cho biết: Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để các HTX nông nghiệp tiếp cận với khoa học – kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, khuyến khích các HTX chủ động học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, CNC vào sản xuất, nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh đã và đang thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn để các HTX tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thanh Hóa, góp phần tạo nguồn lực để các HTX đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bài và ảnh: Lê Hòa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhan-rong-mo-hinh-htx-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-225107.htm