Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực của công tác tư pháp, 41 năm qua Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng thể chế, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành, để từ đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí “gác cổng” về pháp lý.
Hội nghị triển khai công tác tư pháp và hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh năm 2024. Ảnh: Tiến Đông
Ngày 17/5/1983, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBTH thành lập hệ thống tổ chức tư pháp trong tỉnh, theo đó Sở Tư pháp Thanh Hóa chính thức được thành lập. Qua mỗi thời kỳ, chức năng, nhiệm vụ của ngành tư pháp có sự thay đổi, bổ sung, mở rộng với nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề.
Từ 6 nhiệm vụ được giao thời kỳ đầu mới thành lập, đến nay Sở Tư pháp được giao thực hiện 36 nhiệm vụ, trong đó tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường Nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản tài viên; hòa giải thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, 41 năm qua các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của sở đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, sở đã thể hiện rõ nét vai trò, vị trí “gác cổng” về pháp lý trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi. Nhất là những năm gần đây, việc tham mưu của sở không chỉ là áp dụng pháp lý đơn thuần mà luôn nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết đối với các hồ sơ vụ việc phức tạp mới phát sinh có vướng mắc về mặt pháp lý theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, hoặc đề nghị của các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện. Tính riêng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết hơn 300 vụ việc, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng… Đồng thời, tham mưu thẩm định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hồ sơ đề nghị xử phạt hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản, đầu tư, tài chính, thuế…
Sở cũng đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp trong xây dựng, thẩm định và tham gia đóng góp ý kiến cho hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để trình HĐND và UBND tỉnh ban hành; giúp UBND tỉnh đóng góp, tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân và các ngành, các cấp vào dự thảo Hiến pháp và nhiều luật quan trọng của Quốc hội; không chỉ tham mưu trong xây dựng thể chế chính sách, sở còn tham mưu cho UBND các cấp giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc pháp luật, các tranh chấp, các vấn đề cấp bách, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài ra, sở đã chủ động giúp UBND tỉnh thực hiện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ngay sau khi ban hành để kịp thời phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật, kiến nghị xử lý theo quy định, góp phần “thanh lọc” các văn bản khuyết điểm, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
Bên cạnh đó, sở đã phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, đầu mối phối hợp thực hiện. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở và đến được với mọi tầng lớp Nhân dân. Sở cũng đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp; góp phần tích cực trong công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Các tổ chức bổ trợ tư pháp hoạt động nền nếp hơn; năng lực, trình độ chuyên môn được nâng lên; trụ sở làm việc, cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị khang trang. Việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin… được thực hiện hiệu quả. Tiến độ xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp được đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của công dân và tổ chức, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật, tiếp tục xây dựng hình ảnh ngành tư pháp thân thiện, gần dân, phụng sự Nhân dân.
Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách cũng luôn được Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân. Mỗi năm, trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, giúp cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật.
Tiếp tục thực hiện và đề xuất thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác, góp phần thúc đẩy việc triển khai thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, trong đó, tập trung cao cho việc số hóa sổ hộ tịch – đây là cơ sở dữ liệu đầu vào cho Cơ sở dữ liệu dân cư, đồng thời, triển khai tốt các phần mềm, liên thông phần mềm phục vụ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân.
Với những cố gắng vượt bậc, liên tục nhiều năm liền, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã trở thành đơn vị lá cờ đầu của ngành tư pháp Việt Nam, nhận được nhiều hình thức khen thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng Bằng khen, Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Những thành tựu đạt được trong công tác tư pháp thời gian qua đã khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của Sở Tư pháp Thanh Hóa, đã tạo được niềm tin yêu, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò là người “gác cổng” về các vấn đề pháp lý cũng như tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế cho hệ thống chính trị địa phương phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tham gia ý kiến dự thảo văn bản. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; chú trọng đầu tư nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính; triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá tài sản; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; nâng cao trách nhiệm tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản.
Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, chú trọng lồng ghép trợ giúp pháp lý trong các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; tập trung phổ biến các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm; đẩy mạnh truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội; nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật trong nhà trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bùi Đình Sơn
Giám đốc Sở Tư pháp