Theo thông tin từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), từ ngày 25-8 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiến hành bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ nhất (tính từ thời điểm chính thức vận hành thương mại). Thời gian bảo dưỡng nhà máy dự kiến kéo dài 55 ngày.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiến hành bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ nhất từ ngày 25-8-2023.
Với tổng mức vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam tại thời điểm xây dựng cũng như hiện nay. Đây là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu tầm cỡ thế giới và phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam và khu vực, với 38 phân xưởng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Từ khi đi vào vận hành thương mại, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đáp ứng gần 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. Bên cạnh các sản phẩm chủ lực là lọc dầu, như: khí hóa lỏng LPG, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa… một số sản phẩm hóa dầu như: Benzen, Polypropylene và lưu huỳnh… cũng đã được sản xuất, xuất bán ra thị trường. Các sản phẩm hóa dầu này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp chế biến để sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, tuy có những thời điểm khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Dự án đã tạo ra bước tăng trưởng đột biến về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, ngành dầu khí gặp thách thức lớn do ảnh hưởng của tình hình thế giới tác động đến giá dầu thô và chênh lệch giá sản phẩm. Tuy nhiên, với các phương án sản xuất linh hoạt và tái cấu trúc kịp thời, các mục tiêu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đạt 88% kế hoạch đặt ra với 8,9 triệu tấn dầu thô nhập khẩu, xuất bán hơn 6.081 tấn sản phẩm lọc dầu, 900 tấn sản phẩm hóa dầu và một số sản phẩm khác, đóng góp 80% trong thuế xuất nhập khẩu của tỉnh. Trong giai đoạn 2018-2021, công ty đã đóng góp hơn 3,3 tỷ USD cho nền kinh tế trong nước và tiết kiệm hơn 260 triệu USD nhờ cắt giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác.
Ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc của NSRP cho biết: “Nguồn cung năng lượng ổn định sẽ là động cơ thúc đẩy và củng cố vị trí mắt xích quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với hệ thống máy móc tiên tiến vượt bậc và những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nước, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã trở thành một trong những dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí tại Việt Nam, với mục tiêu phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam”.
Theo NSRP, hoạt động bảo dưỡng tổng thể lần 1 sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các thông lệ sản xuất tốt nhất, với nỗ lực bảo đảm tính an toàn và bền vững trong quy trình sản xuất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cũng như bảo đảm sản lượng ổn định của NSRP trong mục tiêu dài hạn.
“Bảo dưỡng tổng thể là một phần quan trọng trong cam kết về an toàn của chúng tôi, cho phép tiếp tục bảo đảm an toàn trong sản xuất, cung cấp công việc ổn định và lâu dài cho doanh nghiệp và lao động địa phương, cũng như tạo ra nguồn cung các sản phẩm xăng, dầu có chất lượng cao trên cơ sở bền vững và dài hạn cho thị trường trong nước”, ông So Hasegawa chia sẻ thêm.
Trong thời gian bảo dưỡng, các phân xưởng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoàn toàn các hoạt động sản xuất. Để giảm thiểu tác động của việc tạm dừng sản xuất trong thời gian ngắn, NSRP đã chủ động triển khai sớm các phương án nhằm xúc tiến khẩn trương quá trình bảo dưỡng, giảm thiểu thời gian bảo dưỡng mà vẫn bảo đảm chất lượng của công tác bảo dưỡng. Cùng với đó, NSRP đang phối hợp và làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để bảo đảm công tác bảo dưỡng tổng thể của nhà máy không ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường xăng, dầu trong nước cũng như người tiêu dùng.
Theo NSRP, sau đợt bảo dưỡng tổng thể lần 1 này, NSRP sẽ đẩy mạnh sản xuất, cung ứng kịp thời và ổn định các sản phẩm xăng, dầu cho nhu cầu nhiên liệu của nhiều doanh nghiệp và người dùng ở thị trường Việt Nam trong nhiều năm tới.
Trước kế hoạch ngừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng đối với các sản phẩm xăng, dầu, hạn chế rủi ro đứt gãy nguồn cung, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Theo đó, đề nghị trong thời gian còn lại trước thời điểm dừng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương tập trung tăng tối đa công suất sản xuất các sản phẩm xăng, dầu, qua đó bù đắp sản lượng thiếu hụt trong thời gian bảo dưỡng, góp phần cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu xăng, dầu của thị trường. Chủ động nâng cao công suất kho chứa, xem xét thuê thêm kho để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất; ưu tiên cung ứng xăng, dầu cho các thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp có tổng kho xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chuẩn bị tốt các phương án, cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu, vật liệu… để bảo đảm hoàn thành bảo dưỡng trong thời gian sớm nhất; tránh các tình huống phát sinh có thể xảy ra, gây chậm trễ, kéo dài thời gian bảo dưỡng định kỳ, ảnh hưởng đến việc vận hành, cung ứng các sản phẩm xăng, dầu ra thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND thị xã Nghi Sơn và các sở, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện tốt kế hoạch bảo dưỡng định kỳ năm 2023 đề ra; chủ động giải quyết các đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; kịp thời tham mưu đề xuất, báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để tỉnh vào cuộc hỗ trợ.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn có kế hoạch và phải tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng định kỳ trong tháng 8-2023, Bộ Công Thương đã có kế hoạch phân giao tổng nguồn nhập khẩu ngay từ đầu năm. Lượng nhập khẩu ước tính sẽ bù đắp được nguồn cung xăng, dầu thiếu hụt từ việc bảo dưỡng định kỳ. Để bảo đảm cung ứng xăng, dầu, Bộ Công Thương cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu theo từng quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ, đặc biệt trong thời gian Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng, dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
Bài và ảnh: Minh Hằng