Nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách, từng bước lấp đầy khoảng trống ấy, thông qua hình thức vay vốn “không yêu cầu thế chấp tài sản”, Tổ chức tài chính vi mô (TCVM) nói chung, TCVM Thanh Hóa đã khơi lên niềm hy vọng, động lực, “phao cứu sinh” cho hộ nghèo, thu nhập thấp – những người ít có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ tài chính truyền thống. Tổ chức TCVM Thanh Hóa tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp, yếu thế được tiếp cận nguồn vốn vay vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Cán bộ TCVM Thanh Hóa luôn là người bạn đồng hành thân thiện, đáng tin cậy với khách hàng từ lúc tư vấn, làm thủ tục đến quá trình quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
TCVM được xác định là một trong các trụ cột thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Bởi lẽ, TCVM cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đến phân khúc người nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ – là phân khúc chưa hoặc khó tiếp cận tới dịch vụ của các tổ chức tài chính truyền thống.
Do những đặc thù trong cách thức tổ chức, vận hành, hoạt động kinh doanh nên TCVM đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, góp phần gia tăng tỷ lệ người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Chính bởi sự gần gũi, thân thiện, linh hoạt, trách nhiệm ấy là “bí quyết” giúp TCVM gắn kết, hiểu rõ nhu cầu khách hàng, từ đó thiết kế các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với đặc thù của nhóm khách hàng với những ưu điểm như: dễ tiếp cận, thủ tục đơn giản, cung cấp ngay tại cộng đồng, món vay nhỏ dễ hoàn trả.
Mang nguồn vốn vay đến với từng nhà
Một trong những điểm đặc biệt của Tổ chức TCVM nói chung, TCVM Thanh Hóa nói riêng chính là dịch vụ “tận tay, tận nơi”. Đội ngũ cán bộ tín dụng không chỉ cung cấp vốn mà còn trực tiếp đến thôn, xã để thu hồi vốn và thực hiện các giao dịch. Điều này giúp bà con không phải di chuyển xa xôi, tiết kiệm thời gian và chi phí, nhất là đối với những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa.
Không giống như các tổ chức tài chính truyền thống, nơi khách hàng phải tự mình đến các chi nhánh hoặc văn phòng để thực hiện các thủ tục vay vốn, TCVM Thanh Hóa mang dịch vụ đến gần hơn với cuộc sống của người dân. Từ việc ký kết hợp đồng cho đến nhận và hoàn trả khoản vay, mọi giao dịch đều được thực hiện tại địa phương, giúp bà con có thể tập trung vào công việc hàng ngày mà không phải lo lắng về việc di chuyển.
Bên cạnh hình thức cán bộ TCVM trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng, TCVM Thanh Hóa còn ứng dụng công nghệ (qua máy tính bảng, điện thoại smartphone) để đăng ký thông tin khách hàng vay vốn thông qua phân hệ phần mềm CCS và app tiết kiệm online để giao dịch với khách hàng gửi tiết kiệm ngay tại nhà văn hóa thôn với mức tiền gửi nhỏ nhất. Khách hàng có thể gửi thường xuyên mà không mất chi phí, mất thời gian đi lại và hoàn toàn yên tâm về vấn đề bảo mật thông tin.
Chị Nguyễn Thị Dung, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngọc Lặc (TCVM Thanh Hóa), cho biết: “Khoảng cách từ phòng giao dịch đến các thôn bản của huyện thường là 20 đến 30km, có những tuyến đường rất khó khăn trong việc di chuyển. Nếu để người dân tự đi đến phòng giao dịch thì sẽ rất vất vả. Chính vì vậy, TCVM Thanh Hóa luôn nỗ lực, cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để “dẫn vốn” đến cho bà con. Cũng có những ngày nắng gắt, hay mưa lũ, việc di chuyển khá gian nan nhưng nhìn thấy khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống, những cán bộ TCVM như chúng tôi cảm thấy rất vui, ý nghĩa”.
Như người bạn đồng hành đáng tin cậy của khách hàng, cán bộ tín dụng TCVM sẽ là người tư vấn, hỗ trợ trong suốt quá trình làm thủ tục, vay vốn và quản lý nguồn vốn, giúp họ sử dụng hiệu quả nhất số tiền vay. Nhờ sự quan tâm sát sao và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, nhiều hộ gia đình đã biết cách quản lý chi tiêu hợp lý, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả hơn.
Kiên định với mục tiêu “vì sự phát triển cộng đồng”
Nhờ nguồn vốn vay thiết thực, TCVM Thanh Hóa đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế tại các vùng khó. Từ những nông trại xanh tốt cho đến các mô hình sản xuất, kinh doanh, buôn bán…, tất cả đều là minh chứng cho sự đổi thay mạnh mẽ từ nguồn vốn của tổ chức này. Các khoản vay không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá nhân, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp cả cộng đồng cùng phát triển.
Là 1 trong 4 tổ chức TCVM được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động, Tổ chức TCVM Thanh Hóa mở ra cơ hội được tiếp cận vốn vay cho hàng chục nghìn khách hàng. Hiện nay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa hoạt động với 4 chi nhánh và 11 phòng giao dịch tại 229 xã, 22 huyện, thị xã, thành phố, với tổng dư nợ đạt 468 tỷ đồng, tổng số khách hàng vay vốn là 19.755 người. Nguồn vốn vay của TCVM không chỉ giúp các nhóm đối tượng khách hàng này ổn định cuộc sống mà tạo động lực to lớn để họ vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước làm chủ cuộc sống, tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Tổ chức đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giữa nguồn vốn và những người dân nghèo, thu nhập thấp, yếu thế cần sự hỗ trợ. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, TCVM Thanh Hóa ghi đậm dấu ấn trong bức tranh tài chính toàn diện quốc gia, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế cũng như tham gia giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân tại các địa bàn hoạt động yêu mến, tin tưởng, đánh giá cao.
Nối tiếp những thành công trên hành trình “vì sự phát triển cộng đồng, thời gian tới, TCVM Thanh Hóa tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng hoạt động. Với cam kết mang lại cơ hội phát triển cho những người nghèo, thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, Tổ chức TCVM Thanh Hóa sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn để giúp họ có thể thay đổi cuộc sống và góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nguon-von-vay-tcvm-nang-do-kinh-te-ho-thu-nhap-thap-224769.htm