Gần 100 lần “cướp cơm hà bá”
Thượng úy Nguyễn Hữu Hoan năm nay 32 tuổi, anh đã có 13 năm công tác tại Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực 1, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Thanh Hóa.
Anh cho biết, công việc hàng ngày không chỉ xông pha vào những cơn “bão lửa” để cứu người, tài sản, những người lính cứu hỏa như anh còn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm thi thể, cứu hộ những nạn nhân bị đuối nước, mất tích trên sông, biển…
13 năm tuổi nghề, anh Hoan có gần 10 năm tham gia vào công việc vớt xác dưới lòng sông. Nhớ lại ngày đầu bước vào nghề, anh Hoan kể, anh vốn là người có kỹ năng lặn giỏi. Năm 2017, có đôi nam nữ nhảy cầu Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) tự tử. Nhận lệnh, anh được cử cùng tổ công tác của đơn vị triển khai tìm kiếm hai nạn nhân xấu số.
“Tôi mặc dù không biết bơi nhưng có kỹ năng lặn tốt nên anh em hay gọi là “người nhái”, “con rái cá”. Mặc dù vậy, trong lần đầu tham gia tìm kiếm nạn nhân đuối nước, nhìn dòng nước sông Mã cuồn cuộn, chảy xiết, tôi cũng hơi ái ngại. Nhưng vì công việc, vì nhiệm vụ cấp trên giao phó, lúc đó tôi chỉ nghĩ bằng mọi cách phải tìm thấy nạn nhân”, anh Hoan nói.
Sau lần đầu “bén duyên” với nghề, nhờ sự chỉ dạy của các đồng nghiệp và đàn anh đi trước, anh Hoan thuộc việc rất nhanh. Thậm chí, có những ca khó, thi thể nạn nhân mất tích nhiều ngày, nhưng khi anh “ra tay” ắt sẽ tìm thấy.
Đến thời điểm hiện tại, tuy không nhớ rõ đã tham gia bao nhiêu vụ tìm kiếm, nhưng anh nhẩm tính đã cùng đồng đội vớt được gần 100 thi thể.
Theo anh Hoan, suốt 7 năm vớt xác, mỗi trường hợp đều để lại cho anh những cảm xúc, đau xót riêng. Ngoài những vụ đôi nam nữ nhảy cầu tự tử, tai nạn lật thuyền, trượt chân ngã xuống sông, anh còn chứng kiến nhiều nạn nhân đuối nước khi tuổi đời còn quá trẻ.
Mặc dù là người gan dạ, thần kinh thép và đã quá quen việc tiếp xúc với thi thể nạn nhân, nhưng anh vẫn cảm giác rợn người mỗi khi nhắc đến vụ việc xảy ra năm 2022. Đó là lần tìm kiếm 5 nữ sinh đuối nước trên sông Mậu Khê (huyện Thiệu Hóa).
“5 nữ sinh rủ nhau ra bờ sông chụp ảnh, không may bị trượt chân ngã dẫn đến đuối nước. Khi tới hiện trường, tôi vô cùng đau xót khi nhìn cảnh người thân và dân làng tập trung chờ đợi tin tức ở bãi sông. Lúc tìm thấy các nạn nhân, tôi không kìm được lòng, các em còn quá trẻ, chỉ vì một chút sơ suất đã để lại hậu quả nặng nề cho chính mình và người thân”, Thượng úy Hoan nhớ lại.
Đó chỉ là một trong số hàng trăm vụ việc anh Hoan đã trải qua. Anh Hoan cho biết, có những vụ việc nạn nhân mất tích lâu ngày, cơ thể phân hủy không còn nguyên vẹn, bốc mùi, nếu gặp người “thần kinh yếu” sẽ bị ám ảnh, thậm chí sau buổi làm việc còn không thể ăn cơm.
Tôi mong ngày nào cũng “thất nghiệp”
Thượng úy Hoan cho hay, việc vớt xác ngoài “có duyên” với nghề còn đòi hỏi phải nắm vững nghiệp vụ, kinh nghiệm và có chút may mắn. Thông thường, khi tiếp nhận vụ việc, anh thường quan sát rất kỹ hiện trường để phán đoán, xác định đúng vị trí, khoanh vùng tìm kiếm nạn nhân.
“Nếu dòng nước chảy xiết, trong vòng 2 giờ đồng hồ kể từ khi gặp nạn, nạn nhân không còn ở vị trí xảy ra sự việc, mà sẽ trôi đến vị trí khác. Lúc đó, cần phải xác định hướng dòng chảy để triển khai phương án tìm kiếm cho phù hợp”, anh Hoan nói.
Theo Thượng úy Hoan, công việc vớt xác vô cùng vất vả và nguy hiểm. Trong quá trình làm việc dưới đáy sông, những người thợ lặn như anh thường xuyên phải đối diện với đá ngầm, vật cản và dòng nước chảy xiết. Bởi vậy anh luôn cẩn thận, không để xảy ra sai sót mỗi khi làm nhiệm vụ.
Anh Hoan nhớ có lần khi đang tìm kiếm nạn nhân thì dây buộc áo lặn bị vướng vào bụi cây, giữa tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, anh phải cắt dây để thoát nạn. “Làm việc dưới nước khác với trên bờ, nếu không cẩn thận và lường trước được tình huống, rất có thể sẽ xảy ra sự cố. Vì thế, những hôm không có vụ việc, chúng tôi phải tích cực tập luyện, rèn thể lực để trau dồi kinh nghiệm trong quá trình làm nhiệm vụ”, anh Hoan chia sẻ.
Ngoài những hiểm nguy rình rập, những người lính cứu hộ như anh Hoan không cố định về mặt thời gian. Bất kể nắng hay mưa, sớm hay tối, thậm chí là những ngày 30 Tết, khi có vụ việc xảy ra, các anh vẫn phải lên đường làm nhiệm vụ.
Anh Hoan cho biết, vốn đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với thi thể, không ít lần anh gặp những tình huống oái oăm. Anh nhớ nhất những ngày đầu khi đi vớt xác, lúc đó anh 27 tuổi và đã có người yêu, nhưng chưa bao giờ dám tâm sự về công việc hàng ngày của mình. Chỉ đến khi hai người cưới nhau, anh mới dám nói.
“Lúc mới cưới, thấy tôi nói đi vớt xác trong đêm, vợ tôi giật mình và không dám ngủ vì sợ. Thậm chí, có hôm về nhà vợ nhìn thấy thương nhưng không dám cầm tay. Phải mất một thời gian dài, vợ tôi mới quen dần với cảnh đi đêm về hôm, thấu hiểu cho công việc của chồng”, Thượng úy Hoan tâm sự.
Suốt nhiều năm theo nghề, anh Hoan chứng kiến không ít cảnh tang thương, ly biệt.
“Mỗi lúc nhìn người thân nạn nhân đau khổ, nóng lòng, mong ngóng tin tức về người gặp nạn, tôi càng phải cố gắng để nhanh chóng tìm thấy thi thể để giúp họ vơi bớt nỗi đau, hoàn thiện nốt tâm niệm cuối cùng với người quá cố. Tôi và anh em trong nghề vẫn hay nói đùa, mong một ngày sẽ “thất nghiệp”, có như thế mới không còn cảnh đau thương, mất mát nữa”, anh Hoan chia sẻ.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-nhai-gan-100-lan-cuop-com-ha-ba-giau-nghe-voi-nguoi-yeu-20241004094505486.htm