Trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, Hà Thọ Lộc là dũng tướng đã vào sinh ra tử, dốc lòng phò tá và lập nhiều công lớn, được vua Lê – chúa Trịnh tin quý. Cuộc đời binh nghiệp hào hùng của Thái úy Hà Thọ Lộc, người con ưu tú của đất mường Khoòng (huyện Bá Thước) còn mãi lưu danh sử sách.
Cổ Lũng thuộc Mường Khoòng xưa là quê hương của Thái úy Hà Thọ Lộc (Trong ảnh: Một góc bản làng ở Cổ Lũng). Ảnh: Trang Bùi
Cổ Lũng thuộc Mường Khoòng xưa, là vùng đất cổ với tên gọi Kềnh Lộng – nơi ghi dấu sự kiện lịch sử trong khởi nghĩa Lam Sơn – chiến thắng Kềnh Lộng. Người Thái ở Mường Khoòng cũng tin rằng, chính vùng đất này đã nuôi giấu Lê Duy Ninh, tức vua Lê Trang tông – vị vua đầu tiên nhà Lê Trung hưng.
Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, buổi đầu khởi nghiệp Trung hưng, Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm đã dựa vào đất Mường Khoòng để xây dựng căn cứ tấn công nhà Mạc. Bấy giờ, quan tạo Mường Khoòng là Hà Nhân Chính với uy tín của mình đã giúp Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm gặp gỡ, liên kết với các tù trưởng ở Mường Hạ, Mường Sang, Mường La… nhằm tập trung lực lượng. Về sau, Hà Nhân Chính được phong chức Tư đồ, tước Thụy Quận công.
Hà Thọ Lộc – con trai Hà Nhân Chính sớm nối chí cha, theo giúp nhà Trịnh “phù Lê diệt Mạc”, lập nhiều công lớn. Ông theo Trịnh Kiểm đánh trận chống nhà Mạc, không quản hiểm nguy. Khi Trịnh Kiểm qua đời, Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền lực khiến lòng quân hoang mang. Bấy giờ, Hà Thọ Lộc cùng các tướng Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu… theo Trịnh Tùng cùng nhau thề quyết tâm chống Mạc.
Sách Địa chí huyện Bá Thước, viết: “Năm Canh Ngọ (1570) vua sắc phong Trịnh Tùng làm Trưởng Quận công Tiết chế. Trịnh Tùng hội các tướng, mở tiệc úy lạo quân sĩ… Tây Hưng hầu Hà Thọ Lộc cùng 30 viên tướng, văn thần đều chỉ trời mà thề, đồng lòng chung sức, ngày đêm bàn kế đánh giặc, chia quân chiếm giữ cửa lũy các xứ, đào hào đắp lũy, đặt phục binh giữ nơi hiểm yếu, đề phòng quân Mạc. Tháng 9 năm ấy, vua lấy Tây Hưng hầu Hà Thọ Lộc đem quân giữ lấy lũy Ai (Cẩm Thủy) thay cho Hà Khê hầu đã phản bội”.
Năm 1573, nhà Mạc đem quân đánh vào Thanh Hóa, Hà Thọ Lộc cùng các tướng sĩ ra chiến đấu, quân Mạc bị đánh lui. Trong những năm này, với tài đánh trận, Hà Thọ Lộc đã góp phần quan trọng cùng quân Lê – Trịnh giữ vững đất Thanh Hóa khiến cho nhà Mạc mỗi lần xuất binh đánh vào đều bị tổn thất.
Năm Tân Tỵ (1581), tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện đem quân đánh vào Đường Nang. Hà Thọ Lộc đem quân Tả đội chống lại, chặn bước quân Mạc. Với chiến công này, ông được phong làm Tư mã.
Sau thời gian nuôi binh, giữ sức chờ thời cơ, năm Tân Mão (1591) so sánh tương quan lực quân Lê – Trịnh đã mạnh, lòng người hướng về việc Trung hưng nhà Lê và mong muốn sớm kết thúc chiến tranh Nam – Bắc triều. “Trịnh Tùng nắm chắc vận nước đã có lợi cho nhà Lê, nên sai Diễn Quận công Trịnh Văn Hải; Thái Quận công Nguyễn Thất Lý đem binh trấn thủ các cửa biển và nơi hiểm yếu. Sai Thọ Quận công Lê Hòa ở lại giữ ngự dinh, thành lũy Vạn Lại – Yên Trường và trông nom cả địa hạt Thanh Hóa… Trịnh Tùng huy động lực lượng lớn tới 5 vạn quân, chia thành 5 đạo: giao cho Thái phó Nguyễn Hữu Liêu, Thái úy Hoàng Đình Ái, Lân Quận công Hà Thọ Lộc, Thế Quận công Ngô Cảnh Hựu… lĩnh các đạo. Còn tự Trịnh Tùng thân chinh làm tướng đem hai vạn quân thẳng tiến cửa Thiên Quan tiến đánh nhà Mạc” (sách Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường).
Trong lần tiến công này, Hà Thọ Lộc và Ngô Cảnh Hựu dẫn theo 1 vạn quân tải lương (đạo quân thứ 5), gặp quân Mạc ở Phấn Thượng liền đánh tan. Năm Quý Tỵ (1593) nhà Mạc bị đánh dẹp, vua Lê trở về Thăng Long. Tướng quân Hà Thọ Lộc được phong làm Thiếu úy, giao trấn thủ Thanh Hóa. Năm 1599, Thiếu úy Lân Quận công Hà Thọ Lộc mất khi đang trấn thủ đất xứ Thanh. Thương tiếc vị tướng tài, vua Lê – chúa Trịnh truy tặng ông chức Thái úy.
Nhận xét về Thái úy Hà Thọ Lộc, sử gia Phan Huy Chú trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhận định ông là người thuần hậu chất phác, cần cù cẩn thận, trung nghĩa trí dũng, biết bình lược, luyện văn pháp cùng với cha là Nhân Chính giúp nhà vua, trải mọi gian nguy, công lao rất nhiều…
Là dũng tướng Trung hưng nhà Lê, Thái úy Hà Thọ Lộc là niềm tự hào của người dân đất Mường Khoòng nói riêng, đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh nói chung. Tên tuổi ông được nhắc đến cùng với nhiều danh tướng cùng thời như Hoàng Đình Ái, Lại Thế Khanh… “Thanh Hóa là địa bàn cơ sở để phái Lê – Trịnh lập riêng một giang sơn, đối đầu với nhà Mạc. Các chúa Trịnh như Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng đã lựa chọn được rất nhiều vị tướng lĩnh vừa có sức khỏe vừa có trình độ tham mưu, chỉ huy giỏi như Hoàng Đình Ái, Lại Thế Khanh… đều là những danh tướng. Có cả những người miền núi như Hà Thọ Lộc, cả gia đình đều là những vị tướng trung, nghĩa, trí, dũng” (theo sách Địa chí huyện Bá Thước). Sau khi Thái úy Hà Thọ Lộc qua đời, các con của ông được hưởng “phúc ấm” của cha, nhiều đời được giao giữ vùng Mường Khoòng – Cổ Lũng.
Là người am hiểu chữ Thái cổ và lịch sử vùng đất Mường Khoòng, nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh cho biết: “Theo sách chữ Thái cổ về Mường Khoòng hiện đang được lưu giữ, Thái úy Hà Thọ Lộc sau khi mất có thể được an táng ở làng Sanh, nay thuộc xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc) – gần với làng Biện Thượng nơi thờ các chúa Trịnh. Cả cuộc đời binh nghiệp – làm quan của ông gắn liền với sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, được chúa Trịnh Tùng đặc biệt yêu quý, ban cho nhiều ân điển. Khi làm trấn thủ xứ Thanh, Thái úy Hà Thọ Lộc đã đưa con cháu dòng họ Hà từ vùng Cổ Lũng về đây sinh sống. Ngày nay dòng họ Hà ở đất làng Sanh khá đông đúc”.
Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nam Ninh, từ những nội dung ghi chép trên sách cổ của người Thái, hậu thế biết rằng, cùng với một bộ phận họ Hà ở làng Sanh (Vĩnh Lộc) thì đất Cổ Lũng vẫn là quê gốc của Thái úy Hà Thọ Lộc. Vì thế, sau khi mất ông được người dân tôn thờ tại Nhà Phủ Mường Khoòng. Nhà Phủ là nơi khi xưa vua Lê và các quan họp bàn việc quân cơ trong những năm tháng “giấu mình” trên đất Mường Khoòng. Sau khi sự nghiệp Trung hưng thành công, Nhà Phủ được dựng lên làm nơi thờ cúng vua Lê và các quan lại người Thái đã có công phò tá, trong đó có ông Hà Nhân Chính, Hà Thọ Lộc. Đáng tiếc, trải qua thời gian, Nhà Phủ và lễ hội Mường Khoòng đều không còn. Tuy nhiên, nhắc đến dũng tướng Hà Thọ Lộc, người Thái ở Mường Khoòng vẫn luôn một niềm tự hào, nhắc nhớ…
Trang Bùi
(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số nội dung trong các sách Địa chí huyện Bá Thước và Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường).