Nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Ngọc Lặc tích cực triển khai các biện pháp cải cách hành chính, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Nhà máy may của Công ty TNHH VietPan – Pacific Thanh Hóa tại thị trấn Ngọc Lặc tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.
Sau hơn 2 tháng khởi công xây dựng, nhà máy sản xuất đồ chơi, may mặc và giày da Minh Sơn tại xã Minh Sơn đang từng bước hình thành các hạng mục chính của dự án. Chủ đầu tư là Công ty CP May mặc và Giày da xuất khẩu Minh Sơn đã tập trung nhân lực, đôn đốc các đơn vị thi công tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục theo cam kết. Dự án sản xuất có quy mô khoảng 3,43ha, công suất thiết kế khoảng gần 2 triệu sản phẩm/năm với vốn đầu tư của dự án 65 tỷ đồng. Dự án hoàn thành đi vào sử dụng tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động. Theo đại diện công ty, quá trình triển khai đầu tư xây dựng nhà máy tại xã Minh Sơn khá thuận lợi, được các ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện Ngọc Lặc tạo điều kiện tối đa. Công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao được địa phương thực hiện đúng tiến độ theo cam kết. Hiện tiến độ thi công xây dựng nhà máy đảm bảo, công tác tuyển dụng và đào tạo đang được công ty triển khai theo kế hoạch.
Thời gian qua huyện Ngọc Lặc đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút, mời gọi nhà đầu tư đến tìm hiểu tiềm năng, lợi thế của địa phương để đầu tư. Cùng với đó, huyện tập trung cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư trong thời gian sớm nhất. Khi có dự án đầu tư, huyện triển khai công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ, bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, huyện chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã được quy hoạch các cụm công nghiệp Phúc Thịnh, Minh Tiến, Ngọc Sơn, Ngọc Trung, Cao Lộc Thịnh… Trên cơ sở đó, huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện huyện Ngọc Lặc đã thu hút được các dự án lớn của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp đang triển khai xây dựng, như: Dự án sản xuất đồ chơi, may mặc và giày da Minh Sơn; Nhà máy nước ép trái cây tại xã Ngọc Liên của Tập đoàn Xuân Thiện; Dự án Nhà máy sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu Ngọc Lặc tại xã Quang Trung… Đây đều là những dự án sử dụng nhiều lao động.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có hơn 2.540 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong năm 2024, huyện thành lập mới được 60 doanh nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án hoàn thành đi vào hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn công nhân, như: Khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện – Thanh Hóa 1 tại xã Minh Tiến của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; Nhà máy may VietPan-Pacific Thanh Hóa tại thị trấn Ngọc Lặc với tổng vốn đầu tư 8,5 triệu USD… Nhờ đó góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện Ngọc Lặc năm 2024 đạt 56,14 triệu đồng, đứng đầu các huyện miền núi.
Theo Trưởng Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Ngọc Lặc Đỗ Đức Ngọc: “Xác định thu hút đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội tại địa phương và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, huyện Ngọc Lặc đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến, thu hút doanh nghiệp về đầu tư trực tiếp trên địa bàn. Huyện ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các dự án sản xuất công nghiệp, ngành nghề sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày và trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, lâm sản”…
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ngoc-lac-tich-cuc-thu-hut-dau-tu-nbsp-tao-viec-lam-cho-nguoi-dan-233319.htm