Đứng trước nguy cơ mất dần giống lúa nếp râu bản địa, huyện Ngọc Lặc đã, đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo tồn và phát triển giống lúa đặc sản của địa phương.
Mô hình sản xuất lúa nếp râu tại làng Rềnh, xã Đồng Thịnh.
Lúa nếp râu được người dân xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) xem như giống lúa cổ truyền được gieo trồng và gắn bó lâu đời. Đối với đồng bào dân tộc Mường ở đây, lúa nếp râu không chỉ là nguồn lương thực được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày mà còn là nguyên liệu làm bánh ú, bánh nếp, cơm lam… trong các dịp lễ tết. Theo ông Phạm Bá Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Thạch Lập thì giống lúa nếp râu đã được người dân địa phương trồng từ rất lâu đời. Nếp râu là loại nếp ngon nhất trong các loại lúa trồng ở xã Thạch Lập. Xôi đồ từ loại gạo này từ sáng đến tối vẫn giữ nguyên độ dẻo, vị đậm, mùi thơm đặc trưng. Bề mặt hạt xôi có lớp dầu, có vị béo ngậy hấp dẫn. Những ngày lễ tết, người dân trong xã thường đồ xôi nếp ngũ sắc với 5 màu là đỏ, đen, vàng, xanh, trắng. Tuy nhiên, hiện nay giống lúa nếp này chỉ được người dân địa phương trồng rải rác ở các thôn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giống lúa nếp râu có chiều cao cây khoảng 90 – 100 cm, hình dạng gọn, cứng cây, đẻ nhánh trung bình, vỏ trấu vàng, hạt gạo tròn dài, trắng, thơm, dẻo cơm. Năng suất trung bình đạt từ 4 – 4,5 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 5 – 5,5 tấn/ha. Đặc biệt, lúa nếp râu rất cứng cây, chống đổ tốt, bộ lá gọn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với các giống lúa nếp khác, như: nếp hạt cau, nếp truồng Lào, nếp ĐT52… Mặc dù, được biết đến như một giống lúa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường ở xã Thạch Lập, nhưng lúa nếp râu đang đứng trước nguy cơ thoái hóa, lai tạp và dần đánh mất sự thuần chủng. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình giữ gìn, bảo quản nguồn giống lúa nếp râu trong Nhân dân không đảm bảo yêu cầu, năng suất suy giảm.
Để kịp thời bảo tồn giống lúa quý, trong vụ xuân năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc đã xây dựng mô hình “Bảo tồn và nhân rộng giống lúa nếp râu bản địa theo hướng hữu cơ” với diện tích 1,6 ha tại làng Rềnh, xã Đồng Thịnh để nhân rộng trong cộng đồng. Ngoài ra, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Thạch Lập cũng đang xây dựng kế hoạch trong vụ lúa xuân năm 2024, đưa vào gieo cấy với diện tích lúa nếp râu khoảng 5 ha. Ông Nguyễn Đức Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Nếp râu là giống lúa nếp bản địa, được trồng chủ yếu tại xã Thạch Lập. Nguồn giống do người dân địa phương dự trữ từ mùa này sang mùa khác nên dần làm thoái hóa. Qua thực hiện mô hình cho thấy, lúa nếp râu là giống lúa cảm ôn, có thể trồng được 2 vụ trong năm, thời gian sinh trưởng vụ xuân 120 – 125 ngày, vụ mùa 110 – 115 ngày. Đây là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt chống chịu bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt, sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác. Khi lúa chín có bông dài trung bình, hạt to, tròn dài, tỷ lệ hạt chắc cao, tỷ lệ lép lửng thấp chỉ 3,44%. Năng suất lúa nếp râu bình quân đạt 50,4 tạ/ha.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, giống lúa nếp râu từ trước đến nay chỉ trồng chủ yếu ở xã Thạch Lập với diện tích nhỏ nên năng suất không cao. Sau khi thực hiện mô hình tại làng Rềnh, xã Đồng Thịnh cho thấy lúa thích hợp trên các chân đất của các địa phương khác của huyện. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện cần khuyến khích các xã, thị trấn nhân rộng quy mô sản xuất để bảo tồn giống lúa nếp râu và phát triển thành sản phẩm OCOP đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Với những thành công bước đầu trong công tác bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp râu bản địa sẽ góp phần vào việc bảo vệ nguồn gen cây trồng quý của địa phương, từ đó nhân rộng và phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác.
Bài và ảnh: Lê Hợi