Bà cụ ngoài 80 tuổi, tay cầm di ảnh, chầm chậm bước đi giữa các phần mộ, thi thoảng dừng lại ghé sát tấm bia đọc thông tin về người đã khuất như mong muốn một điều kỳ diệu sẽ đến…; đôi bạn già dò tìm từng dòng tên trong danh sách liệt sĩ với vẻ mặt hồi hộp, chờ đợi…; tay lau tấm bia, cụ ông khóc nấc vì thương nhớ đồng đội… bao cảm xúc đan xen giữa những ngày tháng 3 “trở về” Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ (A1).
Nghĩa trang liệt sĩ A1.
Tri ân anh hùng liệt sĩ
Bà Hoàng Thị Năm, hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh, đi trong đoàn Hội Cựu chiến binh quận Tân Phú ra thăm Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Có lẽ khác với nhiều người là đi tìm hiểu về lịch sử, bà Năm ra Điện Biên với mong ước hoàn thành ước nguyện của chồng mình là tìm được thông tin về nơi an nghỉ của người chú – liệt sĩ Lê Văn Hai, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và hy sinh tại đây. Không cầm được nước mắt, bà Năm nghẹn ngào kể: “Chồng tôi có nguyện vọng làm sao tìm được hài cốt hay phần mộ của chú ruột. Có giấy báo tử từ năm 1954, nhưng do chiến tranh và nhiều điều kiện khác, gia đình chưa thể đi tìm được. Chồng tôi đã không làm được nhiệm vụ ấy, nên trước khi mất, ông ấy có dặn dò với người thân cố gắng tìm được mộ chú Hai để đưa về”. “Lúc ông nhà tôi còn sống lại không tìm thấy di ảnh chú Hai. Khi ông ấy mất, trong lúc dọn đồ tôi thấy bức ảnh quý về chú nên đem đi rửa, phóng to rồi ra Điện Biên với tâm nguyện chú có linh thiêng cho tôi biết phần mộ để tôi dán vào”. Nhưng rồi như biết đó là điều không thể, bà Năm chỉ mong rằng, trời phật chứng dám cho bà sớm tìm được mộ của chú Hai, thì khi chết bà mới toại nguyện được.
Thắp những nén nhang cho đồng đội, cụ Trần Duy Năm (89 tuổi), quê ở Nam Định không ngăn nổi những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Cụ Năm cho biết: “Lính Pháp gọi đồi A1 là “cối xay thịt”, bộ đội ta hy sinh rất nhiều ở đây. Đến đây, tôi càng nhớ thương đồng đội của mình. Đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm xuống nhưng linh hồn các anh còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trường tồn cùng dân tộc”.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, đồng chí Nguyễn Việt Ba, Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa cùng các đồng chí trong đoàn công tác Báo Thanh Hóa cũng đã được tìm hiểu thêm về Điện Biên Phủ – mảnh đất thiêng liêng với trận chiến Điện Biên Phủ, nơi khắc ghi trang sử hào hùng của dân tộc. Để có những dấu ấn “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, trong đó có đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa, đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho độc lập, tự do của đất nước, cho chiến dịch đến ngày toàn thắng. “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của sự kế thừa, để cho thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước truyền thống cha anh, xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, phồn vinh và thịnh vượng”, đồng chí Nguyễn Việt Ba cho hay.
Thời tiết oi bức của những ngày này, dường như không ngăn nổi bước chân của những đoàn người đến dâng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Từ các em học sinh đến các cụ già, những cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ hay các chiến trường khác đều có chung tấm lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh để giành độc lập tự do cho dân tộc.
Khắc ghi trang sử hào hùng
Trong cuốn sách “Huyền thoại Điện Biên” của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội (năm 2014) có đoạn viết: “Thung lũng Điên Biên Phủ có lẽ là một trong những nơi tập trung nhiều những linh hồn bất tử nhất trên đất nước từ xa xưa đến nay. Trong nghĩa trang, dưới chân đồi A1 chỉ có 4 anh hùng liệt sĩ có tên trên bia mộ: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can, Phan Đình Giót, còn lại hơn 600 bia mộ đều vô danh. Các liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Độc Lập và còn hàng nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy. Sau giải phóng Điện Biên, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã chọn những thung lũng đẹp nhất làm nơi chôn cất các liệt sĩ, có biển ghi tên từng người với tất cả niềm trân trọng và thương mến. Không ai lường được rằng, những cơn lũ mạnh kéo qua thung lũng chỉ vài tháng sau quay lại các nghĩa trang trông đã tan hoang vì lũ cuốn, tất cả bia mộ đã không còn nên các mộ chiến sĩ Điện Biên bây giờ thành vô danh. Đã có biết bao anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu trong chiến trường Điện Biên và mãi mãi để lại niềm thương nhớ cho những người đang sống…”.
Tỉnh Điện Biên hiện quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ với gần 7.000 phần mộ, nằm tại trục đường chính Quốc lộ 279, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ A1 là nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, được quy tập năm 1958 đến năm 1960 với 644 ngôi mộ liệt sĩ. Nghĩa trang có kết cấu tường bao xung quanh, giữa tường thành là một lễ đài kiến trúc như Khuê Văn Các. Mặt trước tường thành được đắp nổi hai cụm phù điêu. Một cụm thể hiện 56 ngày đêm quân dân ta chiến đấu tại Điện Biên Phủ, một cụm thể hiện 9 năm kháng chiến trường kỳ. Góc trái của nghĩa trang là ngôi nhà quản trang thiết kế theo kiểu kiến trúc nhà sàn Thái Tây Bắc. Nhà tưởng niệm trong nghĩa trang thiết kế giống mái nhà sàn, mái ốp đá trắng bên trong có đặt văn bia và lư hương đồng. Nghĩa trang được che mát bởi các hàng cây long não và cây hoa ban. Bên lối đi được trồng các loại cau, tùng, hoa cúc, hoa huệ… khoe sắc tỏa hương. Đây vừa là một công trình lịch sử văn hóa vừa là một nghĩa trang công viên.
Hiện nay, tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên có trên 800 phần mộ anh hùng liệt sĩ là con em quê Thanh Hóa. Trong đó, tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ có phần mộ của Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện – người con sinh ra ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, nay thuộc huyện Triệu Sơn, đã anh dũng lấy thân mình chèn pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Những năm qua, với chính sách đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, Trung ương và các tỉnh cùng với cộng đồng xã hội đã có nhiều việc làm thiết thực để tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang, chăm sóc các mộ phần liệt sĩ, trong đó, tỉnh Thanh Hóa đã dành 5 tỷ đồng để lát đá toàn bộ khuôn viên phía trước của Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Công trình được thực hiện và hoàn thành vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014), không chỉ thể hiện tình cảm, sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa với các anh hùng liệt sĩ, mà còn là công trình ghi dấu ấn về mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 tỉnh Thanh Hóa – Điện Biên.
Nghĩa trang liệt sĩ A1 nói riêng và các nghĩa trang tại tỉnh Điện Biên nói chung là một trong những biểu tượng đời đời ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bởi các nghĩa trang này không chỉ là nơi an nghỉ của liệt sĩ mà còn là công trình văn hóa – lịch sử mang đậm giá trị nhân văn, ghi nhận những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân. Trong khói hương trầm mặc, tôi chợt nhớ tới bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh” của tác giả Văn Hiền, rằng: “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/ Anh có tên như bao khuôn mặt khác/ Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc/ Tên làng, tên đất theo Anh/ Bình yên sau cuộc chiến tranh/ Anh trở về không tên, không tuổi/ Trắng hàng bia những ngôi sao không nói/ Rưng rưng cỏ mọc dưới chân/ Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/ Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác/ Tổ quốc không mất tên Anh/ Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”.
Bài và ảnh: Trần Hằng