Những năm qua một số hộ dân ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) đã tận dụng lá sắn trồng trong vườn, đồi để phát triển nghề nuôi tằm ăn lá sắn, góp phần giải quyết việc làm vào thời điểm nông nhàn.
Ông Trịnh Văn Thành ở khu phố Hồng Sơn cho tằm ăn.
Gia đình ông Lường Văn Tuân ở khu phố Hồng Sơn có 0,65 ha đất vườn, đồi trồng sắn lấy củ để bán cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước. Nhận thấy lá cây sắn bỏ phí, gia đình ông đã tận dụng để nuôi tằm. Theo ông Tuân, tằm thường được nuôi từ khoảng tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, nhưng rộ nhất vẫn là tháng 7 – 8, bởi thời gian này là giữa mùa sắn nên có rất nhiều lá. Việc nuôi tằm cũng đơn giản, người nuôi không cần nhiều vốn chỉ cần chịu khó tìm hiểu kỹ thuật nuôi, dành một phần diện tích thoáng mát, sạch sẽ trong nhà làm khu nuôi và có nhân lực hái lá sắn cho tằm ăn là nuôi được. Mỗi tháng gia đình ông nuôi từ 1 – 2 lứa tằm, với giá bán đầu mùa lên đến 120 nghìn đồng/kg, giữa vụ giá giao động từ 70 – 80 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 65 – 70 triệu đồng/năm.
Cũng giống gia đình ông Tuân, gia đình ông Trịnh Văn Thành nuôi tằm hơn 5 năm nay và giờ đây nghề phụ này trở thành thu nhập chính của gia đình. Ông Thành cho biết: Gia đình ông có 0,5 ha trồng sắn, từ đầu năm 2023 đến nay ông nuôi được 10 lứa tằm, bình quân mỗi lứa xuất bán khoảng 50 kg thương phẩm, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng. Vòng đời của con tằm từ khi còn là trứng cho đến lúc “chín” khoảng 20 ngày; vào mùa nắng nóng, tằm phát triển mạnh thì chỉ khoảng 15 ngày là có thể thu hoạch để bán làm thực phẩm. Từ các lứa tằm, gia đình ông có nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng Nguyễn Thị Trang cho biết: Hiện nay trên địa bàn thị trấn có 30 hộ nuôi tằm ăn lá sắn, tập trung chủ yếu ở khu phố Hồng Sơn, Xuân Long và phố Mòn. So với trồng lúa, ngô hay chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi tằm có thể gọi là nghề “một vốn bốn lời” khi mang lại nguồn thu đáng kể trong thời gian ngắn ngày. Có hộ thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Các hộ nuôi tằm bắt đầu từ tháng 3 hàng năm, vào thời điểm đó sắn mới phát triển, chưa có nhiều lá nhưng đầu mùa giá tằm thường cao hơn (dao động 100 – 130 nghìn đồng/kg) nên nhiều hộ gia đình đã chặt cả thân cây, lấy lá nuôi tằm; sau đó tiếp tục bón phân, chăm sóc để cây sắn nảy mầm mới, lá phát triển tốt hơn, tuy nhiên năng suất củ sẽ kém đi. Từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm nhiều hộ nuôi tằm nhất, vì lúc này nguồn lá sắn làm thức ăn cho tằm nhiều, nên giá thấp hơn (từ 70 – 80 nghìn đồng/kg). Đến thời điểm hiện tại, các hộ hầu như không nuôi nữa, vì thời điểm này là mùa thu thời tiết có sương mù, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn cho tằm (tằm ăn lá sắn có sương mù sẽ chậm phát triển, dễ bị chết).
Thời gian thu hoạch tằm dao động khoảng 15 – 17 ngày tính từ lúc trứng tằm nở. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình thường nuôi gối các lứa tằm. Trung bình, mỗi hộ gia đình sẽ nuôi được 7 – 10 lứa tằm/năm. Năng suất mỗi lứa từ 30 – 100 kg tùy thuộc vào lượng trứng tằm đầu tư, nguồn lá sắn của mỗi hộ, địa điểm nuôi rộng hay hẹp. Thu nhập ước đạt từ 50 – 80 triệu/hộ/năm.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi tằm lá sắn ở thị trấn Cành Nàng đã thấy rõ. Dù chỉ được coi là nghề phụ, nhưng đã trở thành nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình. Tin rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều hộ dân trên địa bàn áp dụng mô hình này.
Bài và ảnh: Ngọc Tiến