Có lẽ, nguồn nguyên liệu dồi dào và nhiều loại đá quý hiếm ở núi Nhồi cùng bàn tay tài hoa của những người thợ chế tác qua các thế hệ, đã làm nên thương hiệu làng nghề truyền thống chế tác đá làng Nhồi của xứ Thanh, sánh cùng với các làng đá nổi tiếng cả nước như làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình), làng đá Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam), làng đá ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), làng đá Bửu Long (Đồng Nai)…
Anh Lê Thọ Tú đã hơn 30 năm gắn bó với nghề chế tác đá. Ảnh: Vân Anh
Núi Nhồi thuộc làng Nhồi, tên chữ là núi An Hoạch, xưa còn gọi là núi Khế hay Nhuệ Sơn, nay thuộc địa phận phường An Hưng (Thanh Hóa). Đây là một di tích nghệ thuật thắng cảnh cấp quốc gia, nơi có làng nghề chế tác đá nức tiếng. Vùng đất này có nguồn nguyên liệu dồi dào với nhiều loại đá quý hiếm ít thấy trên cả nước, là điều kiện lý tưởng để hình thành và phát triển nghề chế tác đá.
Theo Tuyển tập văn bia Thanh Hóa: Trên văn bia chùa Báo Ân, núi An Hoạch dựng năm 1100, cho biết: Lý Thường Kiệt là người đầu tiên mang nghề đục đá đến cho dân làng Nhồi – An Hoạch (khi chưa sáp nhập). Nội dung văn bia ghi rõ: “Ở phía Tây Nam huyện, có một quả núi lớn và cao tên là An Hoạch, là nơi sản xuất ra nhiều loại đá đẹp. Đá núi này là sản vật quý của Nhà nước. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng kêu muôn dặm, dùng làm bia, văn chương thì còn bền mãi nghìn đời. Thế là Thái úy Lý công (tức Lý Thường Kiệt) sai một viên thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao đem người hương Cửu Chân dò tìm trong núi, chọn lấy đá tốt…”. Theo truyền văn nghề chạm khắc đá ra đời ngay khi phát hiện nguồn đá quý. Ban đầu chỉ có một số hộ đục đá, tạo vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày, về sau số lượng ngày càng lớn hơn.
Người dân làng Nhồi sinh ra giữa tứ bề là đá, họ sống bằng nghề làm đá. Đá đã nuôi sống họ hàng trăm, nghìn năm nay. Thế nên dân làng Nhồi gắn bó thủy chung với đá, tạo nên sức sống bền bỉ cho làng nghề và từ đá tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, lưu truyền muôn đời sau.
Ở thời Lý, khi Phật giáo trở thành quốc giáo, chùa chiền được xây dựng nhiều, nhu cầu sử dụng đá làm văn bia tăng cao kéo theo sự phát triển mạnh mẽ nghề làm đá làng Nhồi cả về số lượng và chất lượng. Số lượng người làm và theo nghề không ngừng tăng, đồng thời tay nghề thợ ngày càng khéo léo và điêu luyện. Sự nổi tiếng về chất đá, sự tài hoa của người thợ và những sản phẩm danh bất hư truyền, nghề chế tác đá làng Nhồi có sức lan tỏa, ảnh hưởng khá mạnh mẽ. Không những người thợ làng Nhồi đi khắp nơi hành nghề mà một số người thợ tài hoa còn có vai trò truyền nghề cho nhiều cộng đồng cư dân.
Ở các triều đại tiếp theo Trần, Lê, Nguyễn, danh tiếng của các nghệ nhân làng Nhồi được “Vua biết mặt, Chúa biết tên” tiếp tục góp sức vào nhiều công trình quan trọng của đất nước và các công trình kiến trúc tôn giáo như đình, chùa, lăng tẩm đến điện đài, cung vua… trong cả nước. Một số công trình, kiến trúc quốc gia in dấu nghệ nhân làng Nhồi như Văn miếu Quốc Tử Giám, thành Thăng Long… Tại Thanh Hóa, Di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng như Thành Nhà Hồ, chùa Báo Ân, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh… đều có dấu ấn của nghệ nhân chế tác đá làng Nhồi xưa.
Song cũng như số phận của nhiều làng nghề truyền thống khác, làng chạm khắc đá núi Nhồi cũng có lúc thăng trầm. Vào năm 1980, làng nghề mai một, tiếng đục đẽo thưa thớt, trầm lắng theo thời gian. Từ năm 1990, làng nghề được khôi phục, phát triển hưng thịnh với hàng trăm hộ theo nghề, mang lại nguồn thu nhập chính cho hơn 80% người dân địa phương và thu hút lực lượng lao động từ các nơi khác. Ngày nay tiếp nối nghề truyền thống cha ông, vẫn còn khoảng 60 hộ làm nghề với khoảng 500 lao động.
Theo ông Lê Thiều Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phường An Hoạch (giữ tên khi chưa sáp nhập) thì từ năm 2003 trở lại đây nhu cầu sử dụng đá tăng, thị trường cũng được mở rộng, là điều kiện thuận lợi để nghề phát triển bền vững. Hầu hết các hộ đều mở xưởng riêng, thuê thêm nhân công, đồng thời đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến kỹ thuật, từ đó nâng cao năng suất lao động, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện tại, nghề chế tác đá làng Nhồi vẫn giữ nét truyền thống, nhiều công đoạn thực hiện bằng tay vì vậy, sản phẩm của làng Nhồi mang đậm phong cách và giá trị truyền thống cũng như tư tưởng văn hóa của làng nghề, góp phần tạo nên nhiều công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật bằng đá.
Ông Hoa là một trong những nghệ nhân tài hoa của làng Nhồi, được học nghề từ cha, giờ đây hai con trai của ông cũng rất thành thạo nghề. Ngoài ra, ông thường xuyên tham gia dạy và truyền nghề cho những người trẻ với mong muốn nghề truyền thống được giữ gìn và phát huy đến muôn đời. Hiện ở đây có 60 hộ vẫn đang làm nghề chế tác đá. Với anh Lê Thọ Tú, chủ cơ sở sản xuất Bản Tú, anh là đời thứ 3 theo nghề. Bản thân anh học nghề từ khi 8 tuổi, 14 tuổi đã thành thạo chạm khắc hoa văn, truyền thần… Đến nay, sau hơn 30 năm làm nghề, anh đã mở được xưởng chế tác riêng với 5 lao động, có mức lương trung bình 550 nghìn đồng/ngày với thợ chính và 350 nghìn đồng/ngày với thợ phụ. Doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo anh Tú, khó nhất trong chạm khắc đá là tạc tượng. Đá là vật vô tri vô giác, để khắc nên đường nét, tính cách, tạo “hồn” cho đá đòi hỏi người làm phải có “lực”. “Lực” được đúc kết từ kinh nghiệm và tài năng của bản thân. Chính vì vậy, khi truyền nghề cho các bạn trẻ, anh Tú luôn nỗ lực khơi dậy tình yêu, lòng đam mê với nghề. Bởi, có yêu, có đam mê mới dám hy sinh và theo nghề đến cùng.
Được biết, thợ chế tác đá làng Nhồi được phân chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất chuyên tạc theo lối hoa văn truyền thống. Nhóm thứ hai chuyên tạc theo đơn đặt hàng. Nhóm thứ ba tạc theo phong cách tự sáng tác, những người theo lối thứ ba này đều là các bậc cao thủ về tuổi đời lẫn tuổi nghề.
Vân Anh