Súng phòng không 12,7mm của ta đã bắn rơi chiếc máy bay C119. Đây là chiếc máy bay hai thân đầu tiên của địch bị quân ta bắn rơi ở Điện Biên Phủ.
Về phía địch: Đêm 9/4, địch tăng cường thêm 1 Tiểu đoàn Lê dương dù số 2, vì trời mưa tiểu đoàn này mới tới được hai đại đội và một bộ phận cơ quan chỉ huy.
5 giờ 30 phút quân địch dồn lực lượng phản kích định chiếm lại cứ điểm C1. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt. Mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm.
Sân bay Mường Thanh bị quân ta pháo kích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/TTXVN.
Phong trào đánh lấn, bắn tỉa và đoạt dù đã làm cho bộ mặt khu trung tâm tập đoàn thay đổi hẳn. Cuộc sống của địch lâm vào trạng thái căng thẳng, thường xuyên, thiếu thốn mọi bề. Thương binh địch dồn đống lại trong những căn hầm chật hẹp, thiếu tiếp tế, thiếu thuốc chữa. Các ký giả Pháp và phương Tây gọi đó là “Cảnh sống bên cạnh cái chết”, “Sống trong một góc địa ngục”. Sau này, trong chương viết về “Tập đoàn cứ điểm chết ngạt” của cuốn “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương”, Tướng Pháp Y.Gras đã kể lại như sau:
“…Từ ngày 9/4, tình hình hậu cần của tập đoàn cứ điểm trở nên gay go. Yêu cầu phải bổ sung đạn dược 200 tấn/ngày, nhưng cao nhất chỉ thả được 145 tấn, trong đó phía Pháp chỉ thu được nhiều nhất là 100 tấn. Máy bay tiếp tế bị tổn thất trung bình từ 15 đến 20%. Việc tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm trở thành những cuộc hành binh đường không thực sự trong điều kiện khí tượng rất không thuận lợi của chiến trường rừng núi…”.
“… Điều đáng lo ngại nhất là khu vực thả dù (chủ yếu nằm giữa khu trung tâm và Hồng Cúm) đã ngày càng bị thu hẹp như một tấm da thuộc phơi khô. Chỉ còn lại chừng 100ha, hầu như hoàn toàn nằm dưới hỏa lực bộ binh đối phương…”.
“… Việc thu nhặt các kiện hàng ném xuống rải rác trên mặt đất đòi hỏi nhiều nhân lực. Chỉ riêng việc đó cũng là một nhiệm vụ nặng nề. Thế là Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bóp nghẹt không phải vì tác động của lực lượng phòng không đối phương mà chủ yếu vì hoạt động của các sư đoàn Việt Minh dưới mặt đất, ngay sát vị trí Pháp. Các sư đoàn này không dùng phương pháp công kích ồ ạt mà dành ba tuần lễ để vây lấn liên tục nhằm siết chặt quân đồn trú trên khoảng đất vuông mỗi chiều 1km. Từng điểm tựa bị quấn chặt bằng một hệ thống chiến hào, giống như một con côn trùng bị lọt giữa mạng nhện. Vị trí trở nên bị cô lập, phong tỏa và nhanh chóng bị bóp nghẹt vì thiếu đạn dược, thực phẩm và nhất là thiếu nước”.
– Về phía ta: Súng phòng không 12,7mm của ta đã bắn rơi chiếc máy bay C119. Đây là chiếc máy bay hai thân đầu tiên của địch bị quân ta bắn rơi ở Điện Biên Phủ.
Một trong số 62 máy bay Pháp bị lực lượng phòng không của ta bắn rơi, bốc cháy trên bầu trời Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/TTXVN
Theo cuốn “Tổng tập Đại tướng Hoàng Văn Thái”, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã kể: Sáng ngày 9/4/1954, cán bộ trở về đơn vị với khí thế mới. Kết quả của hội nghị sơ kết đợt 2 đã nhanh chóng biến thành hành động tích cực của tất cả các đơn vị. Và cũng chính với những kết quả quan trọng này mà quân ta đã đi đến với những thắng lợi trong đợt giáo dục chính trị tư tưởng, chống hữu khuynh tiêu cực do Đảng ủy tổ chức vào cuối tháng 4.
Ngay sau hội nghị sơ kết của mặt trận, chúng tôi tổ chức hội nghị tham mưu trưởng các đại đoàn và trung đoàn đánh giá thành tích và trách nhiệm của ngành tham mưu trong đợt chiến đấu vừa qua. Anh em cán bộ tham mưu đều thấy phần trách nhiệm của mình về những khuyết điểm của cán bộ, của đơn vị. Riêng với cơ quan tham mưu chiến dịch, thực tế ngày càng chứng tỏ chúng tôi phải quan tâm hơn nữa chỉ đạo giúp các đơn vị những vấn đề cụ thể về chiến thuật cho bộ đội, nhất là trong điều kiện nhiều nội dung rất mới đang đặt ra trong chiến dịch công kích mang tính chất trận địa quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử của Quân đội ta.
Chúng tôi rất chú ý đến kinh nghiệm của Trung đoàn 36 dùng phương pháp đánh lấn bằng đơn vị nhỏ, tiêu diệt vị trí 106. Anh em đã đặt sơn pháo ở bản Kéo, diệt dần từng ụ súng, từng lô cốt địch ở vòng ngoài cứ điểm 106, rồi bất thần xung phong vào đồn. Hơn trăm tên địch trở tay không kịp. Quân ta nhanh chóng làm chủ vị trí.
Trận địa pháo 12,7mm bắn máy bay địch tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/TTXVN
Vấn đề mà chúng tôi đi sâu thảo luận trong hội nghị các tham mưu trưởng lần này là làm gì để giúp các đơn vị để khắc phục những thiếu sót về chiến thuật vừa qua. Nhiệm vụ sắp tới của các đại đoàn đã được Bộ Chỉ huy Chiến dịch xác định trong chỉ thị ngày 10/4. Dựa vào nhiệm vụ được giao và trên cơ sở phân tích tình hình địch cụ thể trong phạm vi phụ trách của đại đoàn cũng như tình hình thực tế của các đơn vị, vấn đề chúng tôi đặt ra để thảo luận là làm thế nào để vận dụng cách đánh cho phù hợp hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, hạn chế thương vong của ta. Cùng với việc thảo luận nhiệm vụ tiếp tục phát triển trận địa bao vây tiến công, chúng tôi trao đổi ý kiến nhiều về cách đánh lấn, bắn tỉa, chỉ đạo các đội “dũng sĩ” luồn sâu đánh hiểm, tổ chức lực lượng và chỉ đạo cách đánh liên tục ngày đêm. Chúng tôi cũng trao đổi ý kiến làm thế nào để tranh thủ thời gian huấn luyện tân binh mới được bổ sung, nhất là huấn luyện bốn nội dung kỹ chiến thuật cá nhân, để thường xuyên và kịp thời chấn chỉnh lực lượng chiến đấu liên tục; làm thế nào để xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc trên các điểm cao đã chiếm được phía Đông… tất cả những vấn đề bàn bạc đề nhằm chuẩn bị điều kiện cho đợt công kích cuối cùng.
Sau hội nghị, trên cơ sở thảo luận kỹ nhiệm vụ uy hiếp sân bay, khống chế không phận địch, chúng tôi trao đổi ý kiến với anh Vương Thừa Vũ và anh Lê Trọng Tấn về chuẩn bị tiêu diệt vị trí 105, giương công các vị trí 206 và 311, đánh viện binh địch trên cả hai hướng Đông và Tây. Qua trao đổi và từ thực tế kinh nghiệm chiến đấu tiêu diệt vị trí 106 của Trung đoàn 36 cũng như kinh nghiệm phá một số hàng rào và đánh sập lô cốt địch ở các vị trí 105 và 206, khái niệm về dùng đơn vị nhỏ “đánh lấn” trong công kiên có tính chất trận địa ngày càng hình thành rõ nét, có cơ sở lý luận trong suy nghĩ của chúng tôi. Với kết quả thảo luận trong hội nghị tham mưu và được Bộ tư lệnh Chiến dịch đồng ý.
THÀNH VINH/qdnd.vn