Sáng ngày 6/5/1954, Tiểu đoàn 255 thuộc Trung đoàn 174 phòng ngự suốt 34 ngày đêm trên đồi A1 được lệnh rút qua Đồi Cháy làm lực lượng dự bị. Tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000kg thuốc nổ trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công tối nay.
Chọc mù “con mắt” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Trong cuốn Hồi ký “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: “Trời ngớt mưa, cơ quan tham mưu báo cáo đêm qua địch đã thả dù thêm hàng trăm quân tăng viện. Máy bay địch hoạt động với mức độ chưa từng có kể từ đầu chiến dịch. Chúng ném bom, bắn rốc két vào những vị trí phòng ngự của ta, đặc biệt là đồi C1. Pháo cao xạ bắn rơi thêm một chiếc C.119.
Buổi trưa trời hửng nắng. Tôi trèo lên đỉnh núi Mường Phăng sau Sở chỉ huy, quan sát trận địa. Gần một tháng qua, từ vị trí này, với một chiếc ống nhòm có bội số quang học lớn, tôi đã theo dõi sự tiến triển của chiến hào ta. Thời gian đầu, sự tách biệt giữa ta và địch rất rõ.
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào sào huyệt cuối cùng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN
Tập đoàn cứ điểm địch là một khối đông đặc, như những tổ ong khổng lồ nằm sát nhau hai bên bờ sông Nậm Rốm. Trận địa ta là những đường hào rất nhiều nhánh vây quanh cánh đồng Mường Thanh. Nhưng từ cuối tháng 4, rất khó phân biệt trận địa ta và trận địa địch. Vì hầu hết những mũi chiến hào của ta đã cắm sâu vào tập đoàn cứ điểm. Đôi lúc phải xác định trên bản đồ đâu là những cứ điểm địch còn giữ, đâu là nơi ta đã tiêu diệt.
Trận mưa dù đang tiếp tục trên bầu trời Điện Biên Phủ. Những chiếc máy bay vận tải bay cao ngoài tầm với của pháo cao xạ. Hàng nghìn chiếc dù màu sắc tươi rói chi chít trên cánh đồng, như nấm nở rộ sau một trận mưa. Có thể thấy rõ số lượng khá lớn đồ tiếp tế của địch rơi vào trận địa ta. “Miếng da lừa” Điện Biên Phủ đã thu lại quá nhỏ. Sáng nay, tham mưu báo cáo, nó chỉ còn một chiều 1.000m, một chiều 800m. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã ví nó với một “Sân bóng chày”. Tôi dùng ống nhòm tìm vị trí 311B ở phía Tây, đã bị tiêu diệt đêm 3-5 và vị trí 310 nằm bên. Cả hai vị trí này chỉ cách Sở chỉ huy Mường Thanh hơn 300m. Từ đây vượt qua một cứ điểm nữa là tới hầm De Castries. Những mũi lê đã chĩa vào bên sườn De Castries. Nhưng phản ứng của địch rất yếu ớt. Chúng đã không làm gì nhiều sau khi mất 311B và đêm nay sẽ đến lượt 311, được coi là “con mắt” của tập đoàn cứ điểm”.
20 giờ, hỏa lực của ta tập trung bắn vào A1, C2, cứ điểm 506 phía Bắc Mường Thanh, cứ điểm 310 phía Tây Mường Thanh. Lần này có thêm sự phối hợp của 12 dàn hỏa tiễn 6 nòng. Mặc dù độ tản xạ còn cao, những đuôi lửa, tiếng rít và tiếng nổ dữ dội của loại vũ khí mới này đã làm cho quân đồn trú sống trong những công sự đắp đất đã bị mưa làm suy yếu, hoảng sợ.
Đợt hỏa pháo kéo dài 45 phút. Địch phản ứng yếu ớt nhưng chúng đã có chuẩn bị. Khi pháo ta vừa ngừng bắn, tất cả những khẩu pháo còn lại của tập đoàn cứ điểm tập trung trút đạn xuống những trận địa chiến hào của ta xung quanh A1 và C2.
Bộc phá ngàn cân khuất phục đồi A1
Trước giờ G 5 phút, các chiến sĩ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1, nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của khối bộc phá gần 1.000kg thuốc nổ. Đúng 20 giờ 30 phút, một tiếng nổ trầm, không phải như chúng ta chờ đợi. Quay đầu nhìn lại, trên đồi A1 có một đám khói lớn đang phụt lên. Một số người phân vân “Có phải đây là bom nổ chậm địch thả lúc chiều”.
Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm 20m thổi bay chiếc lô cốt bên trên và cuốn theo phần lớn Đại đội dù 2 của Pháp đóng ở đây. Jean Ponget ngồi trong hầm ngầm bỗng thấy quả đồi rung rinh, một tiếng nổ trầm át mọi tiếng động khác kéo dài vài giây. Một lát sau y mới hiểu ra và biết mình vừa thoát chết.
Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Vào lúc 20 giờ 30 phút, khối bộc phá gần 1.000kg thuốc nổ đã phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1. Ảnh tư liệu: TTXVN
Khối bộc phá một ngàn cân đã tiêu diệt một phần tuyến ngang gây khó khăn cho các đơn vị đánh A1 trong đợt trước, tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho hai đại đội của Tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi. Nhưng càng lên gần đỉnh đồi thì những đất đá từ hố sâu bốc lên đã làm trái đồi biến dạng và trở nên rất khó đi. Lợi dụng lúc đó, những tên địch còn sống sót của Đại đội 2 liên tiếp trút đạn liên thanh về phía ta. Đại đội 316 đánh vào trận địa súng cối. Đại đội 317 đánh vào khu thông tin gần hầm ngầm. Đại đội 3 của Jean Ponget đóng trên đỉnh đồi và từ phía hầm ngầm tiến ra phản kích. Cuộc chiến bằng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê lại diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng.
Phía Tây – Nam, các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 251 nhiều lần tiến lên mở đường về phía lô cốt “Cây đa cụt” đều bị thương vong. Jean Ponget biết nếu để mất lô cốt này thì cứ điểm hoàn toàn cô lập, sớm muộn cũng bị tiêu diệt.
Tiểu đoàn 251 quyết định đưa ĐKZ lên bắn sập chiếc lô cốt và khẩu đại liên bên trong đã hoàn toàn im lặng. Nhưng khi bộ đội lên phá tiếp hàng rào lại bị hỏa lực không biết từ đâu chặn lại. Tiểu đội trưởng Phấn cùng Đại đội phó bí mật bò lên quan sát, phát hiện được một ụ súng ngầm được ngụy trang kỹ, ở ngay gần lô cốt. Đồng chí Phấn đề nghị cho mình được tiêu diệt ụ súng để trả thù cho những đồng đội đã hy sinh, nếu cần sẽ ôm bộc phá lao vào ụ súng để mở đường cho đơn vị. Đại đội tổ chức hỏa lực yểm hộ cho đồng chí Phấn hoàn thành nhiệm vụ an toàn. Tiểu đoàn 251 đã cắt đứt con đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên.
Trong đêm 6/5, cũng ở phía Đông, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt 506 – cứ điểm rất quan trọng nằm bên đường 41 chạy tới Sở chỉ huy của De Castries. Ở phía Tây, Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 chiếm xong cứ điểm 311, đưa trận địa tiến công của Đại đoàn vào cách Sở chỉ huy De Castries 300m.
Suốt đêm 6/5/1954, toàn bộ Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta tập trung tại Phòng Tác chiến theo dõi cuộc chiến đấu. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm khi được tin Trung đoàn 174 giải quyết xong A1, mục tiêu đợt tiến công thứ 3 đã gần hoàn tất.
THÀNH VINH/qdnd.vn