Thực hiện chủ trương tác chiến sắp tới do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đề ra: “Tiếp tục củng cố và phát triển trận địa tiến công và bao vây sát gần địch hơn nữa, đánh chiếm thêm một số vị trí quan trọng nhằm từng bước thắt chặt thêm vòng vây.
Về phía địch: Địch tiếp tục thả Tiểu đoàn dù thuộc địa số 2 xuống chi viện cho Điện Biên Phủ. Cũng trong ngày, quân địch ném bom vào bản Long Nhai làm chết hơn 440 đồng bào ta.
5 giờ ngày 10/4, Bigeard ngồi trong hầm trú ẩn ở Eliane 4 với 6 chiếc điện đài quanh người, ra lệnh tiến công. Toàn bộ 20 khẩu pháo 105mm còn lại ở Mường Thanh và Hồng Cúm tập trung bắn tầm 1.800 quả đạn vào C1. Máy bay bổ nhào ném bom. Dứt đợt hỏa pháo, 4 xe tăng tiến lên Eliane 4 hướng nòng pháo trút đạn lên đỉnh đồi. Cùng lúc, gần 20 khẩu đại liên di động trên Đồi C1 nhả đạn. Đại bác địch chuyển làn dọn đường cho các đơn vị dù tiến lên. Máy bay bắn chặn những con đường tiếp viện của bộ đội ta. Bigeard chủ trương dùng sức mạnh hỏa lực tối đa để tiết kiệm sinh mạng lính dù.
Về phía ta: Ngày 10/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra Mật lệnh số 95ML/B1 gửi các Đại đoàn 316, 308, 312, 304, 351. Mật lệnh chỉ thị cho các đơn vị tiếp tục củng cố trận địa phòng ngự, rút kinh nghiệm chiến đấu vừa qua và chuẩn bị tiếp tục tiến công địch ở Điện Biên Phủ.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Ảnh tư liệu/TTXVN
Ngày 10/4, thực hiện chủ trương tác chiến sắp tới do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề ra: “Tiếp tục củng cố và phát triển trận địa tiến công và bao vây sát gần địch hơn nữa, đánh chiếm thêm một số vị trí quan trọng nhằm từng bước thắt chặt thêm vòng vây; đánh chiếm hoàn toàn sân bay nhằm triệt hẳn đường tăng viện và tiếp tế bằng đường không của địch, hạn chế tới mức cao nhất những bãi thả dù của địch; uy hiếp mạnh hơn nữa tung thâm địch nhằm tiến tới đợt tổng công kích kết thúc toàn bộ số phận quân địch còn lại trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ…”.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể chuẩn bị cho đợt tiến công mới:
– Đại đoàn 308 phát triển trận địa bao vây và tấn công vào cứ điểm 206, 310, 311A, 311B trong cụm cứ điểm Huguette bảo vệ sườn phía Tây sân bay, đồng thời phối hợp với Đại đoàn 312 đào giao thông hào cắt ngang sân bay ở phía Nam cứ điểm 206.
– Đại đoàn 312 tiếp tục làm trận địa tiến công từ phía Đông bản Kéo đến đoạn phía Đông sân bay Mường Thanh; xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm 105, 203, 204 và phối hợp với Đại đoàn 308 đào hào giao thông cắt ngang sân bay Mường Thanh.
– Đại đoàn 316 tiếp tục làm trận địa tiến công ở phía Đông Mường Thanh, tiếp giáp cánh trái Đại đoàn 312 và cánh phải Đại đoàn 308; xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm A1, C2, Đồi Châu Ún; củng cố trận địa phòng ngự ở Đồi C1 và một phần đồi A1.
– Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 tiếp tục củng cố xây dựng trận địa tiến công bao vây Hồng Cúm và làm trận địa chặn viện giữa Hồng Cúm và Mường Thanh; tiếp tục kiềm chế pháo địch ở Hồng Cúm.
– Đại đoàn 351 xây dựng thêm trận địa lựu pháo ở Tây Bắc Mường Thanh, đưa pháo lớn xuống sát thung lũng lòng chảo làm nhiệm vụ chi viện cho bộ binh.
Từ ngày 10/4, các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ được giao, lập tức bắt tay vào việc củng cố và phát triển trận địa. Sau hơn một tuần củng cố trận địa, chiến hào của Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đã tiến vào phía Đông sân bay chính ở Mường Thanh. Sân bay có tới 5 lớp rào dây thép gai bảo vệ, xen kẽ giữa các lớp rào là bãi mìn dày đặc. Xung quanh sân bay còn có hàng trăm ụ súng.
Các đơn vị bộ đội băng rừng, lội suối tiến vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/TTXVN
Trên Đồi C1 ta đã có những chuẩn bị. Đêm hôm trước công binh đã chuyển gỗ ra để củng cố công sự. Một đại đội của Tiểu đoàn 439, do Tiểu đoàn trưởng Hoàng Vượng trực tiếp chỉ huy, đã sẵn sàng đón đợi quân địch. Đại bác của ta lập tức dập xuống những trận địa pháo của địch ở Mường Thanh và bắn vào bọn lính dù đang tiến lên đồi. Đại đội dù đi đầu, do Trapp chỉ huy, phải dán mình xuống sườn đồi phía Tây. Đại đội thứ hai của Lepage mang theo súng phun lửa và một phân đội súng máy liều chết vượt qua hỏa lực bắn chặn cố xông lên đồi. Phân đội súng máy bị tiêu diệt. Viên Trung úy Combaneyre bị thương nặng. Súng phun lửa của địch trùm lên lô cốt Cột Cờ. Bộ đội ta phải lùi xuống giữ nửa đồi phía Đông.
Quân địch rượt theo định đẩy ta ra khỏi C1. Giữa lúc đó, hai trung đội tăng viện của trung đoàn vượt qua bom đạn của địch vừa tới nơi. Toàn bộ các chiến sĩ ném một loạt lựu đạn rồi nhất tề xông lên với những khẩu súng cắm lưỡi lê nhọn hoắt. Trước khí thế dũng mãnh của quân ta, địch lui về phía Cột Cờ. 14 giờ, Bigeard phải điều hai đại đội của Tiểu đoàn Lê dương dù 2 mới tới Mường Thanh đêm trước lên C1 thay thế cho lực lượng tiến công đã bị tổn thất gần một nửa.
18 giờ 45 phút, những đơn vị dù số 2 đang củng cố lại những hầm hào vỡ nát vì những trận đánh ban ngày, thì một cơn bão đạn đại bác và đạn súng cối trùm xuống trận địa. Sau đợt hỏa pháo của chiến dịch, Tiểu đoàn 439 và một tiểu đoàn thuộc Đại đoàn 312 vừa tăng cường, chia làm hai cánh xung phong lên chiếm lại Cột Cờ và những lô cốt phía Tây. Những tên lính dù bắn hết đạn không ngăn được những đợt xung phong của ta. Đại úy Charles chết tại trận. Đại úy Minaud bị thương nặng. Cả hai đại đội dù không còn người chỉ huy tan rã ra thành những nhóm nhỏ chống cự một cách tuyệt vọng. 21 giờ, Bigeard vội vét toàn bộ lực lượng dù dự bị tiến lên cứu nguy. Quân ta và quân địch lao vào những trận đánh giáp lá cà quyết liệt.
* Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ:
– Ta tập kích vị trí Đan Nhiễm (Hưng Yên) diệt 125 tên địch.
THÀNH VINH/qdnd.vn