Các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian được xem như “hạt nhân” của phong trào văn nghệ quần chúng, thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Và chính hoạt động sôi nổi, tích cực của các CLB này đã góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật chèo.
Các thành viên CLB chèo thờ đền Mưng, xã Trung Thành (Nông Cống).
Thanh Hóa là vùng đất lịch sử giàu truyền thống văn hóa với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên bức tranh phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa, nơi còn lưu giữ rất nhiều các giá trị văn hóa truyền thống, dân gian độc đáo. Theo thống kê sơ bộ, Thanh Hóa hiện có khoảng 1.535 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, 755 di sản văn hóa phi vật thể với gần 300 lễ hội, các trò chơi, trò diễn dân gian…
Người xứ Thanh “lên ngựa cầm cương, buông cương cầm bút”, yêu văn hóa – văn nghệ, đó là điều dễ dàng nhận thấy. Đặt chân đến bất kể nơi nào của xứ Thanh cũng có thể đắm chìm trong không gian, tinh thần văn hóa – văn nghệ sôi nổi, đặc trưng ấy. Tình yêu, niềm đam mê ấy là “duyên cớ”, động lực cho nhiều CLB văn hóa, văn nghệ dân gian được thành lập từ khắp các vùng núi cho đến trung du, đồng bằng, ven biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm CLB văn hóa, văn nghệ dân gian đang hoạt động với hàng nghìn hội viên tích cực tham gia. Nếu ví các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian như một bản hòa tấu thì nghệ thuật chèo chính là điểm nhấn ấn tượng.
Làng Mưng tên chữ là Côn Sơn (còn gọi là Côn Minh) nằm ở hữu ngạn Lãng Giang (xã Trung Thành, Nông Cống, Thanh Hóa). Không chỉ có cảnh sắc làng quê hữu tình, mộc mạc, nơi đây còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử – văn hóa tiêu biểu. Trong đó, Lễ hội Đền Mưng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống của người dân làng Côn Sơn, được tổ chức mỗi năm hai lần vào dịp tháng Giêng và tháng Ba, nhằm tưởng nhớ công ơn của Thánh lưỡng tham xung Tá quốc (Chàng Út Đại vương) – người đã cùng các anh em và cha mình đứng lên tụ binh khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường ở thế kỷ thứ VII. Lễ hội Đền Mưng là sinh hoạt tín ngưỡng với các hoạt động tế lễ, tục lệ, trò diễn, trò chơi dân gian… Một trong những đặc sắc, tạo nên sức hút lớn nhất của Lễ hội Đền Mưng là hát chèo thờ.
Hát chèo thờ làng Mưng có nhiều nét khác biệt. Bởi lẽ, hát chèo thờ gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Lưỡng tham xung Tá quốc, mỗi năm chỉ biểu diễn một lần vào ngày kỵ thánh. Về cách hát, nếu các làn điệu chèo của vùng đồng bằng Bắc bộ thường tập trung luyến láy âm i thì đối với hát chèo thờ xã Trung Thành lại tập trung luyến láy ở âm a (thường gọi là chèo a). Nội dung của hát chèo thờ nơi đây thường đa dạng về làn điệu như: đường trường, sắp, vãn, sử, sa lệch, hát cách, hát nói (ngâm, vỉa, nói lối), hề. Trước đây, hát chèo thờ có 4 tấn (vở) thường xuyên được trình diễn là: Thục Vân, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình và Tống Trân – Cúc Hoa. Ngoài ra còn có các bài hát hầu thánh khác nhưng đến nay chỉ còn 2 vở diễn thường xuyên là Lưu Quân Bình và Tống Trân – Cúc Hoa. Hát chèo thờ làng Mưng có nhiều hình thức: chèo cạn (diễn ra tại sân đền Mưng) và hát chèo dưới nước (diễn ra trên dòng Lãng Giang).
Chèo cạn có hình thức diễn xướng giống như chèo chải ở một số địa phương khác. Theo đó, người ta chuẩn bị con thuyền được trang trí đẹp mắt, đặt ở sân đền Mưng. Đội hát múa gồm các nữ quan mặc trang phục mớ ba, mớ bảy đứng thành hai hàng, mỗi người cầm một mái chèo, chân nhún nhảy nhè nhẹ, bước lên, lùi xuống nhịp nhàng, khoan thai, tay đưa mái chèo theo nhịp hát. “Làn điệu hát trong chèo cạn tuy không nhiều nhưng mỗi làn điệu đều có giai điệu riêng. Âm điệu của chèo cạn không luyến láy, bay bổng nhưng cấu trúc hình thức của bài mang tính hoàn chỉnh như một ca khúc và tất cả đều mang âm hưởng của dân ca xứ Thanh nên rất dễ đi vào lòng người” (Âm nhạc dân gian xứ Thanh, Nguyễn Liên (chủ biên) – Hoàng Minh Tường).
Chèo nước diễn ra trên dòng Lãng Giang, mang theo bao niềm vui, ước vọng gửi gắm trong sắc xuân ngập tràn. Từ những con thuyền trôi lãng đãng, tiếng “chèo khoan”, “chèo đua”, “chèo đấu” vang vọng. “Tiếng hát trên bờ “ghẹo” xuống, dưới thuyền “đáp” lên” càng tô đậm không gian lễ hội với những thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi tắn.
Ai đã từng một lần lắng nghe tiếng hát chèo thờ làng Mưng, từng một lần dự sinh hoạt cùng CLB chèo thờ đền Mưng xã Trung Thành mới thấu hiểu nét đẹp cùng tình yêu, trân trọng và ý thức, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương của người dân nơi đây. CLB hiện có 32 thành viên, trong đó phần lớn đã ở ngưỡng “lục tuần” trở lên, nhiều cụ đã ở độ tuổi xưa nay hiếm cùng ngồi lại bên nhau trong không gian nhà văn hóa thôn cất vang lời ca, tiếng hát. Được biết, CLB chèo thờ đền Mưng xã Trung Thành được thành lập chưa lâu nhưng luôn là nhân tố tích cực đóng góp, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thường xuyên tham gia các sự kiện lớn của địa phương.
Vừa trò chuyện với khách, ông Lê Huy Cẩm, Chủ nhiệm CLB chèo làng Mưng xã Trung Thành vừa gióng trống, các thành viên trong CLB hào hứng cất giọng hát khi thì dìu dặt, khoan thai lúc lại ngân nga, bay bổng kết hợp với các động tác uyển chuyển, nhịp nhàng của tay, chân khiến người xem ấn tượng. Điều đáng ngưỡng mộ, cảm phục nhất chính là tinh thần hăng hái, nghiêm túc tập luyện của các thành viên CLB. Mặc dù hoạt động trên cơ sở tự nguyện, kinh phí tự đóng góp nhưng cứ đều đặn mỗi thứ bảy, chủ nhật trong tuần, các thành viên trong CLB tổ chức sinh hoạt, tập luyện. Những con người ấy, bằng tình yêu, niềm đam mê đã cùng nhau thắp lên sắc màu di sản trên mảnh đất quê hương.
Xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa) không phải “cái nôi” của nghệ thuật chèo nhưng tình yêu, niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này luôn thường trực trong lòng nhiều người dân nơi đây. Đặc biệt, trong quá trình XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, lan tỏa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đảng ủy, UBND xã chủ trương, khuyến khích thành lập các CLB văn hóa văn nghệ, dân ca dân vũ, thể dục thể thao. Điều đó đã tiếp thêm động lực để những người yêu thích, đam mê nghệ thuật chèo trên địa bàn xã thống nhất thành lập CLB văn hóa nghệ thuật chèo Hợp Xuân.
Những ngày đầu thành lập, CLB có khoảng 13 thành viên, độ tuổi từ 55 – 70 tuổi. CLB hoạt động trên tinh thần tự nguyện; hầu hết kinh phí hoạt động, mua sắm đạo cụ, trang phục đều do các thành viên tự đóng góp. CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ, thường xuyên tập luyện với mong muốn cống hiến những tiết mục, điệu hát chèo hấp dẫn, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, làm phong phú, sôi nổi thêm phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Đối với các thành viên, việc sinh hoạt trong CLB như cách vui hưởng tuổi già, sống vui – khỏe – có ích. CLB vừa là nơi chia sẻ niềm đam mê vừa gắn kết những người bạn già, để họ có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu. Với mục đích, ý nghĩa ấy, sau thời gian hoạt động, đến nay, CLB thu hút khoảng 30 – 40 thành viên, hầu hết các thôn trong xã đều có thành viên tham gia. Vào các dịp lễ, tết hay các sự kiện của xã, tiếng hát chèo của các thành viên CLB văn hóa nghệ thuật chèo Hợp Xuân lại ngân vang, rộn ràng khắp làng quê. Ngoài những làn điệu chèo cổ, các thành viên CLB biểu diễn nhiều tiết mục được viết lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự đổi thay của quê hương, đất nước…
Tình yêu và niềm đam mê là điều cốt lõi làm nên sức sống của nghệ thuật chèo nói riêng, các CLB văn hóa văn nghệ truyền thống, dân gian nói chung. Tuy nhiên, để có thể nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê ấy trong điều kiện kinh phí “tự túc”, eo hẹp; thành viên chủ yếu là người cao tuổi, thế hệ trẻ chưa thực sự mặn mà, hiểu hết giá trị của nghệ thuật truyền thống, dân gian… là những khó khăn, thách thức. Để tiếng hát chèo vang mãi, để thúc đẩy phong trào văn hóa – văn nghệ quần chúng, các địa phương cần có sự quan tâm, đầu tư thiết thực hơn nữa đến các CLB, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, tạo thêm các sân chơi, giao lưu, kết nối. Các CLB cần đổi mới, đa dạng phương thức hoạt động để thu hút, khuyến khích người trẻ tham gia…
Hoàng Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ngan-nga-dieu-cheo-227948.htm