Có thể nói, một trong những đóng góp quan trọng mang lại kết quả tích cực, góp phần đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh chính là sự vào cuộc quyết liệt của ngành ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi và chủ động cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Agribank Bắc Thanh Hóa tài trợ 7 tỷ đồng xây dựng công trình an sinh xã hội Trường Mầm non xã Thành Tâm (Thạch Thành).
Hiện trên địa bàn tỉnh có 118 TCTD, bao gồm: 34 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 1 chi nhánh ngân hàng phát triển, 1 chi nhánh ngân hàng HTX, 1 tổ chức tài chính vi mô, 2 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô, 67 quỹ tín dụng Nhân dân và 11 công ty tài chính. Ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp với nhiều sản phẩm tiền gửi đa dạng nhằm huy động tối đa lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế. Đến hết tháng 12/2023, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 163.096 tỷ đồng (không bao gồm ngân hàng phát triển, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm khoảng 71%/tổng nguồn vốn huy động.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ngành ngân hàng Thanh Hóa đã chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN Việt Nam và của tỉnh. Tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2023 đạt 188.127 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Điều đáng ghi nhận là các TCTD đã ưu tiên đầu tư vốn vào lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: cho vay chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cho vay xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ… Thực hiện tốt các chương trình tín dụng theo chủ trương, chính sách của Chính phủ, như: cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 30A; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ; cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ…
Năm 2023, hoạt động chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước phát triển mạnh nhằm phục vụ tốt hơn các nhu cầu của khách hàng. Các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số, trong đó, nhiều nghiệp vụ đã được số hóa hoàn toàn 100% như gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán,…
Bên cạnh thực hiện chính sách tín dụng, lãi suất hỗ trợ khách hàng, công tác an sinh xã hội của ngành ngân hàng tiếp tục được phát huy, được các cấp, các ngành và Nhân dân ghi nhận. Năm 2023, ngành ngân hàng Thanh Hóa đã làm tốt công tác an sinh xã hội thông qua các chương trình quà cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, ủng hộ lời kêu gọi của tỉnh và các địa phương về công tác an sinh xã hội với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2024 được dự báo là một năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn, ngành ngân hàng Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch hoạt động chung của ngành, trong đó đề ra mục tiêu, giải pháp phấn đấu thực hiện của ngành trong năm 2024 là nguồn vốn huy động tăng tối thiểu 12% so với 31/12/2023; dư nợ cho vay tăng tối thiểu 14% so với 31/12/2023 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp… Để thực hiện hiệu quả kế hoạch hoạt động của ngành đã xây dựng, NHNN Thanh Hóa tiếp tục bám sát định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng tới các TCTD trên địa bàn; thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai chính sách, nhất là tín dụng phục vụ phục hồi nền kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật…
Một năm khép lại với không ít khó khăn, thách thức nhưng ngành ngân hàng Thanh Hóa đã hoàn thành vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế. Không chỉ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đầu tư nguồn vốn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn sẻ chia cùng với các địa phương thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội giảm nghèo bền vững.
Ngọc Lan