Với sự phát triển mạnh mẽ, khoa học công nghệ (KHCN) đang ngày càng đến gần hơn với người nông dân, tạo nên những thay đổi tích cực. Từ phương thức canh tác truyền thống, nhiều nông dân huyện Nga Sơn đã ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của gia đình chị Nguyễn Thị Hải, thôn Đông Hải, xã Nga Bạch.
Thời gian gần đây, ở huyện Nga Sơn xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hải, thôn Đông Hải, xã Nga Bạch, đã mạnh dạn chuyển giao 1.200m2 đất trồng lạc kém năng suất sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Gia đình chị đã đầu tư công nghệ Israel xây dựng hệ thống nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trồng dưa lưới cho thu nhập cao. Chị Hải cho biết: “Năm 2021, gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng khu nhà lưới 1.200m2. Tôi thực hiện theo đúng quy trình, là mỗi 1.000m2 nhà lưới trồng 2.500 gốc dưa. Quá trình chăm sóc, cán bộ kỹ thuật của huyện luôn hỗ trợ rất nhiều thông tin, kinh nghiệm… nên vụ dưa lưới đầu tiên cho thu hoạch với năng suất cao, tổng sản lượng được hơn 1 tấn quả, bán được giá và đầu ra ổn định; chỉ trong 3 vụ dưa năm 2021, gia đình tôi đã thu hơn 200 triệu đồng, sau gần 3 năm gia đình tôi đã tích lũy được một số vốn và đang có ý định mở rộng diện tích sản xuất, tăng thu nhập”.
Tại xã Nga Bạch hiện có 17.100m2 nhà màng, nhà lưới chủ yếu là trồng dưa lưới, dưa Kim Hoàng hậu, cho thu hoạch khoảng gần 100 tấn/năm. Ngoài ra, trên địa bàn xã đang duy trì 19 trang trại gà, 3 trang trại lợn theo mô hình chăn nuôi công nghệ cao như sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng trại sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải… Tổng số lượng đàn gia súc, gia cầm trên toàn xã đạt gần 300.000 con, có giá trị khoảng hơn 52 tỷ đồng. Bà Mai Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Bạch cho biết: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi đang mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Từ việc chỉ có một số hộ gia đình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, đến nay hệ thống nhà lưới đang chiếm tỷ lệ cao trong nông nghiệp công nghệ cao của huyện. Mang lại sự phát triển kinh tế bền vững cho người nông dân địa phương”.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, những năm qua, huyện Nga Sơn đã chủ động tăng cường chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, như: tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các HTX dịch vụ nông nghiệp, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn. Do đó, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp của huyện Nga Sơn đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế cao ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn huyện đã tổ chức xây dựng được 6 ha nhà lưới, nâng tổng diện tích nhà lưới trên toàn huyện lên 35 ha, tập trung tại các xã Nga Thành, Nga Hải, Nga Giáp, Nga Phượng, Nga Thắng, Nga Bạch, Nga Yên… Đến nay, toàn huyện tích tụ, tập trung chuyển đổi 136 ha lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, dưa hấu, khoai tây…
Trong chăn nuôi, nhiều tiến bộ KHKT đã được áp dụng, như: sử dụng các chế phẩm sinh học EM, quạt thông hơi, đệm lót chuồng trại sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải… góp phần phát triển chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Toàn huyện hiện có 48 trang trại lợn, 33 trang trại gà…
Ông Phạm Văn Sinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn cho biết: Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả bền vững, lâu dài là yếu tố quan trọng, do đó, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư các cơ sở sản xuất, mô hình kinh tế nông nghiệp có ứng dụng KHCN. Cùng với đó, huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đạt OCOP, đến nay toàn huyện có 33 sản phẩm (trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao). Từ ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, giảm nghèo và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Bài và ảnh: Minh Khanh