Phần lớn đồng bào dân tộc Mông Thanh Hóa đều di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống, tập trung chủ yếu ở 46 bản làng ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Trải qua bao biến thiên của thời gian, qua nhiều lần di cư để tìm vùng đất mới sinh sống, lập bản, đồng bào Mông ngày nay đã định canh, định cư, nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình như ngôn ngữ, chữ viết, ẩm thực, các làn điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là trang phục truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Mông ở Mường Lát trong bộ trang phục truyền thống.
Trang phục truyền thống là một trong những dấu hiệu nhận biết tộc người, cũng giống như những dân tộc khác, trang phục phụ nữ Mông cầu kỳ, bắt mắt hơn trang phục nam giới. Trang phục phụ nữ dân tộc Mông ở Thanh Hóa gồm áo, váy, thắt lưng, xà cạp và mũ. Mỗi một bộ phận của bộ trang phục được cấu tạo và trang trí khác nhau tạo nên chỉnh thể cho bộ trang phục chứa đựng, phản ánh quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan thông qua màu sắc và hoa văn trên trang phục. Chị Vàng Thị Dua ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn (Mường Lát), cho biết: Trang phục là thước đo giá trị và vẻ đẹp của người phụ nữ Mông, một người phụ nữ đẹp là phải biết dệt vải, thêu thùa, may vá… Vì thế, so với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi xứ Thanh, thì trang phục của người phụ nữ Mông tương đối cầu kỳ với những đường nét hoa văn sặc sỡ, màu sắc nổi bật.
Đầu tiên phải kể đến là chiếc áo, áo của phụ nữ Mông là áo xẻ ngực, cổ áo hình chữ V, được trang trí từ cổ áo đến gấu áo. Hai ống tay áo thêu những hoa văn vằn ngang đủ màu sắc, chạy dài từ nách đến cổ tay. Với nghệ thuật thêu chỉ màu, khâu chắp vải… những mảng màu hoa văn được phân bố hợp lý làm cho chiếc áo tươi sáng, hài hòa hơn.
Điểm nổi bật trên trang phục của phụ nữ Mông là chiếc váy, váy của người phụ nữ Mông là váy xòe, không xẻ, xếp ly dọc theo thân váy từ cạp đến gấu váy, việc xếp ly liên tiếp dọc theo thân váy vừa giúp váy có độ xòe rộng thuận tiện trong di chuyển và xúng xính theo nhịp bước thêm phần duyên dáng cho người phụ nữ. Phần cạp váy nối liền với phần thân váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và được cố định bởi dây buộc. Trên nền vải chàm, họa tiết hoa văn được tạo bởi kỹ thuật thêu, in và ghép thành từng tấm rất độc đáo với các gam màu nóng, như đỏ, vàng, tím… Phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa dưới của thân váy. Khi xòe, chiếc váy tạo nên vòng tròn khép kín, mềm mại như bông hoa.
Áo và váy được cố định và trang trí bởi chiếc thắt lưng dài bằng một vòng eo, được thêu hoa văn ở hai đầu, thắt lưng giúp áo và váy cố định, không xô xệch khi cử động mà còn góp phần trang trí, che đi phần cạp váy tạo nên sự hài hòa của bộ trang phục.
Ngày nay, dân tộc Mông ở Thanh Hóa vẫn giữ được vẹn nguyên kỹ thuật tạo hình và hoa văn trên trang phục, đây là tín hiệu mừng bởi bà con dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung đã nâng cao nhận thức trong công tác tự bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là trang phục truyền thống.
Bài và ảnh: Khánh Linh