Vào buổi bình minh của nền văn hóa Đông Sơn, vùng đất Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) là địa bàn người Việt cổ lựa chọn làm nơi sinh sống và sáng tạo nên nền văn hóa Quỳ Chử đặc sắc. Ở làng Quỳ Chử ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Nổi bật là lễ hội kỳ phúc tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 2 âm lịch.
Trò chơi đua thuyền truyền thống “Cơm thi, cá giải” được tổ chức tại Lễ hội kỳ phúc làng Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ.
Phải mất vài năm rồi, năm nay hội làng Quỳ Chử mới được tổ chức trở lại sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh. Người dân làng trên, xóm dưới nô nức hòa mình vào các hoạt động lễ hội kỳ phúc của làng bởi đó là nhu cầu văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của người dân.
Làng Quỳ Chử được chia làm 3 thôn (Trung Tiến, Tây Phúc và Đông Nam). Mặc dù mỗi thôn đều có khu tâm linh và nhà văn hóa riêng, nhưng hàng năm Nhân dân trong làng đều tập trung về Di tích Đình Trung để tổ chức lễ hội. Lễ hội kỳ phúc làng Quỳ Chử hình thành từ xa xưa với phần lễ và phần hội gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên nét văn hóa riêng có của vùng đất này. Vào ngày chính hội, phần lễ diễn ra trước tiên với những nghi thức rước kiệu, cúng tế để bày tỏ lòng thành kính với các bậc thần linh, đồng thời để người dân gửi gắm ước nguyện về một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Sau khi hoàn thành nghi thức cúng tế trong phần lễ, cả làng sẽ bắt đầu mở hội. Các trò diễn mang tính cộng đồng truyền thống hay các hoạt động thể thao, văn nghệ hiện đại đều thu hút đông đảo người dân cùng tham gia.
Có một trò chơi dân gian đặc sắc đã tồn tại hàng trăm năm qua hiện vẫn được người dân nơi đây duy trì tổ chức là đua thuyền “Cơm thi, cá giải”. Trò chơi dân gian này được xem là nét văn hóa độc đáo của làng Quỳ Chử. Các đội thi vừa chèo thuyền trên ao, vừa bắt cá và nấu cơm trên thuyền. Công việc chuẩn bị cho trò chơi cũng khá công phu. Từ việc trang trí các loại thuyền rồng, thuyền cá chép, thuyền cá mè… đến việc chuẩn bị trang phục cho các đội thi. Mỗi thuyền có một đôi nam thanh, nữ tú. Nam mặc áo nâu, đầu buộc khăn đỏ, tay vác mái chèo, cần câu, chài hoặc vó; nữ mặc áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm niêu, kiềng, củi… Trò chơi vừa thể hiện tài năng chèo thuyền, kéo chài lưới của nam giới trên sông nước, vừa thể hiện khả năng nội trợ, khéo léo, đảm đang của người phụ nữ khi nấu cơm trên thuyền. Tiếng reo hò, cổ vũ của người dân trên bờ làm cho hội đua thuyền thêm phần sôi nổi.
Ông Lê Ngọc Hoa, Trưởng thôn Trung Tiến, thành viên Ban Tổ chức Lễ hội kỳ phúc làng Quỳ Chử, cho biết: Lễ hội là một nét đẹp văn hóa của địa phương. Nhiều người dân về với lễ hội với cảm xúc hân hoan và tự hào khi được trở về với những nét văn hóa truyền thống lâu đời của tổ tiên, nguồn cội.
Ở xã Hoằng Xuân, cứ vào những ngày đầu tiên của tháng 3 âm lịch, Nhân dân địa phương lại nô nức trẩy hội Phủ Vàng. Phủ Vàng được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII, là nơi thờ Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. Truyền thuyết kể lại rằng, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp quân Thanh, tới Phủ Vàng cho quân dừng chân nghỉ ngơi và vào phủ dâng hương kính lễ, được Thánh Mẫu báo mộng, bày kế sách hay để đánh thắng giặc. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua đã tri ân Thánh Mẫu, ban sắc phong và lập đền thờ trên núi Chùa, làng Vàng.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân Nguyễn Văn Tài cho biết: Từ xa xưa, Phủ Vàng không chỉ là nơi để người dân trong xã sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà còn là địa điểm thu hút đông đảo Nhân dân và khách tham quan chiêm bái, tỏ lòng hướng vọng tới Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của Nhân dân trong vùng. Tới đây, di tích sẽ tiếp tục được địa phương trùng tu, tôn tạo.
Vùng đất cổ Hoằng Hóa vốn là một không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Từ hệ thống các di tích, tín ngưỡng, lễ hội đến các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian phong phú, đặc sắc. Theo thống kê, toàn huyện có 470 di tích, trong đó có 93 di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, gồm 16 di tích cấp quốc gia và 77 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích khá đậm đặc là nơi thờ phụng các vị thần linh, tôn vinh các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa, các vị khai canh ra làng, xã, những vị đã cứu giúp phù hộ cho dân qua cơn hiểm nghèo hoặc đóng góp phần uy tín, công lao để làm giàu cho làng, xã được Nhân dân hâm mộ, nhớ ơn, tôn thờ.
Cùng với hệ thống di tích, Hoằng Hóa còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Trong không gian văn hóa của hội làng, người dân địa phương không chỉ sôi nổi tổ chức các trò chơi, trò diễn thi sức, đua tài mà còn là các hội diễn văn hoá, văn nghệ để những làn điệu hát chèo, hát tuồng, những màn trống hội được tái hiện sinh động, gần gũi, kết nối cộng đồng. Điều đáng chú ý, nhiều hội làng truyền thống ở Hoằng Hóa đã trở thành dịp để những thế hệ trẻ tìm về, vừa sôi nổi tham gia các hoạt động văn hóa – thể thao, vừa tìm hiểu, học hỏi về những tư liệu, câu chuyện văn hóa, lịch sử trên quê hương mình.
Bài và ảnh: Việt Hương
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Lịch sử xã Hoằng Quỳ, Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa).