Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 1/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước về phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM và phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước đã tập trung phát triển du lịch, gắn với phát triển nông nghiệp, trong đó các địa phương đã tận dụng lợi thế, khí hậu, thiên nhiên để trồng lúa nếp hạt cau, phục vụ khách du lịch.
Nông dân xã Ban Công (Bá Thước) thu hoạch lúa nếp hạt cau.
Là một trong những địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp trồng giống lúa nếp hạt cau, ông Nguyễn Thế Nghị, Chủ tịch UBND xã Ban Công, cho biết: Từ xưa, giống lúa nếp hạt cau đã xuất hiện trên mảnh đất Ban Công và trở thành sản vật được người dân nơi đây ví như “hạt ngọc của trời”, được lưu giữ và duy trì qua nhiều thế hệ; đây là món ăn đặc sản gắn liền đời sống bà con trong các dịp lễ, tết… Trên địa bàn xã có 4 thôn trồng lúa nếp hạt cau, gồm các thôn: Tôm, Chiềng Lau, Sát, Ba với diện tích khoảng 20 ha; các hộ dân trồng lúa nếp hạt cau đều ký hợp đồng với HTX dịch vụ nông nghiệp du lịch Pù Luông bao tiêu sản phẩm. Để có được những hạt lúa nếp hạt cau có chất lượng, người dân phải thu hoạch lúa bằng cách nhặt từng bông một. Công đoạn phơi lúa cũng đòi hỏi lâu hơn, cần tới 6 ngày nắng để đảm bảo chất lượng vỏ và hạt nên việc thu hoạch và bảo quản lúa đòi hỏi người dân phải bỏ sức gấp đôi so với trồng các giống lúa khác. Nếp hạt cau sau khi chín, vỏ hạt có màu cánh gián giống hạt cau khô, khi xát ra gạo, hạt gạo tròn, trắng đục, hương thơm đặc trưng. Trước kia, bà con trồng lúa nếp hạt cau chủ yếu ăn hoặc bán cho người dân quanh xã nhưng những năm gần đây, lúa được chế biến và đóng gói bán cho khách du lịch…
Trao đổi thêm với chúng tôi về giống lúa nếp hạt cau, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, cho biết: Năm 2021, huyện Bá Thước nhận thấy tiềm năng từ giống lúa nếp bản địa nên đã xây dựng mô hình phát triển diện tích trồng lúa nếp hạt cau để hướng đến sản phẩm OCOP phục vụ du lịch và thị trường. Tại thời điểm xây dựng mô hình diện tích lúa nếp chỉ có khoảng 5 ha, tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm và Lũng Niêm. Vụ mùa 2023, diện tích lúa nếp hạt cau trên địa bàn huyện tăng lên 53 ha, năng suất đạt 40 tấn/ha. Để đạt được thành công trong việc trồng lúa nếp hạt cau, điều cần thiết là đất trồng phải khô ráo, nơi ruộng cạn, nước cung cấp cho lúa phải sạch. Lúa nếp hạt cau có khả năng phát triển cao và trĩu bông hơn các giống lúa khác nên yêu cầu môi trường đất đai phải ổn định. Sản phẩm gạo nếp hạt cau hiện nay có mức giá 50.000 đồng/kg, việc trồng và chăm sóc giống lúa không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp địa phương. Năm 2023, toàn huyện đã trồng được 260 ha lúa nếp các loại, trong đó vụ xuân tập trung vào các giống lúa nếp 97, A Sào; vụ mùa trồng thêm giống nếp Cản Quang, nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng và nếp Cay Nọi. Các sản phẩm lúa nếp trồng trên địa bàn huyện Bá Thước mặc dù năng suất không cao nhưng gạo thơm ngon nên mang lại giá trị cao.
Hiện nay, huyện Bá Thước đã chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP từ sản phẩm lúa nếp hạt cau và đặt tên cho sản phẩm là “gạo nếp hạt cau Pù Luông”. Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, thơm ngon, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và phát triển du lịch dự kiến trong tháng 11 năm 2023, hội đồng chấm điểm OCOP huyện sẽ họp, đánh giá và công nhận sản phẩm gạo nếp hạt cau Pù Luông.
Thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục chỉ đạo và giao chỉ tiêu phát triển trồng lúa nếp hạt cau tập trung vào 6 xã cụm Quốc Thành; nâng diện tích trồng lúa nếp hạt cau trên toàn huyện lên 70 ha, đảm bảo cung cấp sản phẩm cho khách du lịch và nguyên liệu để sản xuất sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh và phát triển thương hiệu gạo nếp hạt cau Pù Luông, nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm, xây dựng các điểm giới thiệu, bán hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để người dân được thưởng thức và biết đến sản phẩm lúa nếp hạt cau Pù Luông.
Bài và ảnh: Tiến Đạt