Những năm qua, huyện Lang Chánh luôn xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tre, luồng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện, do vậy, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả và giá trị thu nhập từ tre, luồng.
Nhà máy sản xuất tre, luồng công nghệ cao của Công ty Bamboo King Vina đi vào sản xuất sẽ góp phần nâng cao giá trị tre, luồng trên địa bàn huyện Lang Chánh.
Phục tráng rừng luồng – Từ nhận thức đến hành động
Tân Phúc là một trong những xã có diện tích trồng luồng lớn nhất của huyện Lang Chánh. Những năm qua, chương trình phục tráng rừng luồng trên địa bàn xã đã dần phát huy hiệu quả, hồi sinh những diện tích luồng đã bị suy thoái. Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết: Mỗi năm, UBND xã đều lựa chọn khoanh vùng diện tích để người dân đăng ký phục tráng, các khâu chăm sóc đều được xã hướng dẫn người dân thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Cho đến thời điểm hiện tại, không có loại cây trồng nào phù hợp với thổ nhưỡng và có tính ổn định bằng cây luồng. Toàn xã hiện có hơn 2.300 ha luồng, riêng năm 2023, theo chỉ tiêu của huyện đề ra, xã đã phục tráng hơn 10 ha diện tích luồng bị cằn cỗi.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn huyện Lang Chánh hiện có 13.676 ha luồng. Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm giai đoạn 2021-2025”, huyện Lang Chánh đã triển khai có hiệu quả công tác thâm canh, phục tráng rừng luồng. Năm 2023, huyện hỗ trợ thâm canh, phục tráng rừng trồng luồng, nứa, vầu cho 290 ha, với 356 hộ tham gia; đồng thời tổ chức được 35 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng; kỹ thuật chăm sóc phục tráng rừng luồng, nứa, vầu; kỹ thuật trồng keo… cho 1.885 lượt người dân ở các xã Giao Thiện, Giao An, Trí Nang, Yên Thắng, Yên Khương, Đồng Lương, Tân Phúc, Tam Văn, Lâm Phú và thị trấn Lang Chánh tham gia. Bên cạnh sự hỗ trợ của huyện, để thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu, không chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật; hạn chế tối đa tình trạng khai thác măng và luồng tùy tiện; đồng thời khích lệ người dân đầu tư thâm canh rừng luồng, tỉnh Thanh Hóa đã có chính sách hỗ trợ kinh phí mua phân bón trong 2 năm đầu thâm canh, phục tráng rừng luồng với mức 2 triệu đồng/ha/năm. Vừa qua, nhiều diện tích rừng luồng được cải tạo, 2.000 ha rừng luồng được bón phân giai đoạn 2021-2023, 5 tuyến đường lâm nghiệp được đầu tư, nhiều HTX thu mua tre, luồng được hình thành, tạo môi trường rộng mở cho cây luồng lưu thông phát triển. Nhờ đó, giá trị thu nhập từ cây luồng được nâng lên, năm 2022, giá trị bình quân khai thác của 1 ha luồng đạt 7 – 8 triệu đồng; đến năm 2023, giá trị bình quân đạt từ 10 – 12 triệu đồng/ha.
Thực tế chứng minh, chưa có một loại cây nào có thể vừa phủ nhanh, mang lại lợi ích, giá trị kinh tế thiết thực cho người dân trên vùng đất Lang Chánh như cây luồng. Tuy nhiên trước kia, luồng mọc tự nhiên không được chăm sóc, khi cần người dân lại khai thác để giải quyết vấn đề kinh tế tạm thời mà không tính đến việc thâm canh để đảm bảo tính bền vững của rừng luồng. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đã nâng cao ý thức trong việc thâm canh, phục tráng, khai thác bền vững rừng luồng và đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa sâu rộng trong nếp nghĩ, cách làm của từng hộ gia đình.
Ông Lê Văn Thêm, Bí thư Chi bộ khu phố Phống Bàn – người vẫn thường được gọi bằng cái tên “vua luồng” của thị trấn Lang Chánh, sở hữu hơn 6 ha rừng luồng lâu năm, cho biết: Cây luồng là kế sinh nhai của rất nhiều hộ dân trên đất Lang Chánh nhưng trước kia bà con chỉ biết lên đồi đốn rồi kết thành mảng, xuôi bè theo sông Âm về thành phố bán cho khách miền xuôi để kiếm tiền mà chưa biết đến việc bảo tồn, phát triển, do vậy tài nguyên dồi dào đến mấy cũng sẽ cạn kiệt, nghèo dần theo năm tháng. Vì vậy, thay vì chọn phương thức trồng tự phát, ông tập trung bón phân đều đặn và chăm sóc phát tỉa thường xuyên, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của địa phương hướng dẫn. Nhờ vậy, rừng luồng của gia đình ông phát triển tốt và mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình đạt 70 triệu đồng/năm.
Phát triển chuỗi giá trịtre, luồ ng bền vững
Với diện tích lớn, quy mô bao phủ nhanh, rộng nên tre, luồng đã và đang trở thành loại cây sinh kế chính cho người dân trên địa bàn huyện. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Lang Chánh nói riêng luôn quan tâm đến việc tăng giá trị cho sản phẩm tre, luồng. Được biết, trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, huyện Lang Chánh có 2 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm đó là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre luồng và các sản phẩm từ tre, luồng. Không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo cho các hộ trồng rừng, riêng hoạt động thu hoạch, chế biến luồng cũng đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Hiện, trên địa bàn huyện Lang Chánh có 10.292 ha rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (chứng chỉ rừng do tổ chức FSC xây dựng và thiết lập dựa trên một hệ thống các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo cho việc quản lý rừng cân bằng với các yếu tố môi trường lẫn lợi ích kinh tế – xã hội), trong đó rừng trồng sản xuất là cây keo 1.000 ha, cây luồng 142 ha. Năm 2023, huyện Lang Chánh tiếp tục phát triển để cấp chứng chỉ cho hơn 4.000 ha rừng, trong đó có hơn 3.000 ha keo, hơn 1.000 ha luồng và diện tích rừng tự nhiên. Theo Đề án “Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm giai đoạn 2021-2025” của huyện, trong năm 2024 xây dựng hơn 6.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi giá trị tre, luồng theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế giá trị sản xuất tre, luồng trên địa bàn Lang Chánh nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung đang được đánh giá là thấp so với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do tỷ lệ nguyên liệu tre, luồng đưa vào chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến đang còn ở dạng sơ chế, nên giá trị kinh tế chưa cao. Do đó, huyện đã và đang triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng chuỗi giá trị tre, luồng theo hướng bền vững, trong đó có phần quan trọng từ hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư.
Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: Cấp ủy và chính quyền huyện Lang Chánh rất quan tâm đến phát triển rừng trồng tre, luồng và các sản phẩm từ tre, luồng cũng như sinh kế cho người dân. Vì vậy, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư mở rộng, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tre, luồng. Từ đó, giúp tiêu thụ nguyên liệu từ cây luồng, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển rừng trồng bền vững. Đơn cử như mới đây huyện thu hút được Công ty Bamboo King Vina vào đầu tư nhà máy sản xuất tre, luồng công nghệ cao, với mức công suất dự kiến đạt 1.500 tấn/ngày. Nhà máy có tổng diện tích 15 ha, sản xuất các sản phẩm chính là các nhà nghỉ dưỡng bungalow, đồ nội thất bằng tre, luồng thân thiện với môi trường. Hiện, công ty đang vận hành thử nghiệm, dự kiến đi vào hoạt động đầu quý I năm 2024, tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Thanh Tùng, Giám đốc vận hành Nhà máy sản xuất tre luồng công nghệ cao của Công ty Bamboo King Vina, cho biết: Cây luồng đưa vào sử dụng tại nhà máy hoàn toàn khép kín, những mẩu vụn sẽ được công ty đưa vào chế biến phân bón sinh học và than tre hoạt tính. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Với việc đảm bảo nguyên liệu cũng như chuẩn hóa nguồn nguyên liệu sẽ đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của thị trường nước ngoài. Nhằm ổn định vùng nguyên liệu, thời gian tới công ty sẽ kết nối và hỗ trợ đào tạo tư vấn cho HTX và hộ dân trồng luồng trong việc ươm giống, trồng mới chăm sóc và khai thác, phát triển kinh doanh tre, luồng bền vững, đồng thời có kế hoạch điều tiết và thu mua nguyên liệu cho người dân, đáp ứng cung ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất.
Có thể nói, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và phục hồi tên gọi “vua luồng” là hướng đi đúng đắn, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Lang Chánh. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển rừng trồng bền vững cho địa phương, hình thành những sản phẩm từ tre luồng có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Bài và ảnh: Vân Anh