Qua các nền văn hóa – văn minh, xứ Thanh – “một Việt Nam thu nhỏ”, đã ghi dấu ấn sâu đậm về “địa điểm nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại”, là “nơi căn bản của nước Nam”… Những trầm tích lịch sử – văn hóa ấy đã kết tinh, lắng đọng, hòa quyện vào nhau dệt nên bức tranh di sản đa sắc, đa thanh, độc đáo, hấp dẫn. Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế ấy, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm khai thác, phát triển du lịch văn hóa trở thành sản phẩm thu hút đông đảo du khách, “một nhánh phù sa” màu mỡ trong dòng chảy hiện đại.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: H.L
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 (từ ngày 1 đến 4-9) vừa qua, tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa đạt 328.600 lượt, tăng 26,6%; tổng thu du lịch đạt 663 tỷ đồng, tăng 30% so với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2022. Những con số ấn tượng ấy đã phần nào nói lên được sức hút, bứt phá mạnh mẽ của du lịch xứ Thanh. Trong đó, các khu, điểm du lịch lịch sử – văn hóa – tâm linh là những nét chấm phá độc đáo trong tổng thể bức tranh du lịch đa sắc, đa thanh ấy.
Từ lâu, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, điểm đến linh thiêng trên hành trình “về nguồn” của mỗi người dân xứ Thanh nói riêng và của cả nước nói chung. Những điện miếu, sân đình, mái ngói rêu phong cổ kính, nhuốm màu thời gian, từng viên gạch đã hằn in dấu chân tiền nhân, từng thớ đất, cây cổ thụ xanh tươi… vẫn âm thầm kể chuyện lịch sử, ghi đậm dấu ấn vương triều Lê Sơ, minh chứng sinh động, thuyết phục về một giai đoạn thái bình thịnh trị của đất nước.
Đến với Lam Kinh là đến với “kinh đô tưởng niệm”, “nẻo về nguồn cội”: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia […] Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Nghi Môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên tả, hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp” (Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú).
Về với Lam Kinh những ngày thu để hòa mình trong không gian lễ hội Lam Kinh độc đáo với nghi thức tế lễ trang trọng, các trò diễn dân gian đặc sắc, thắp lên ngọn lửa di sản: Xuân Phả, trò Chiềng, múa rồng, trống hội… Không gian lễ hội làm sống dậy tinh thần yêu nước sục sôi của hào khí Lam Sơn, càng thêm cảm phục, trân trọng, tự hào trước khí phách, ý chí quyết tâm của bao anh hùng một thuở.
Không chỉ có Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thanh Hóa có tài nguyên du lịch văn hóa hết sức phong phú, độc đáo, phân bố trải rộng trên khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và danh lam thắng cảnh được kiểm kê, xếp hạng.
Xứ Thanh còn được biết đến là vùng đất của những lễ hội truyền thống đặc sắc, có ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hóa, trong đó, có thể chia ra làm 3 loại hình lễ hội đặc sắc: (1) Lễ hội tín ngưỡng gắn liền với các di tích tâm linh (Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội, thị xã Bỉm Sơn, Lễ hội đền Nưa – Am Tiên, huyện Triệu Sơn…); (2) Lễ hội lịch sử – văn hóa gắn liền với các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh nhân văn hóa (Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân; Lễ hội đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc…); (3) Lễ hội văn hóa dân gian gắn với các phong tục tập quán, truyền thuyết dân gian và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (Lễ hội Mai An Tiêm, Lễ hội Từ Thức, huyện Nga Sơn; Lễ hội đền Độc Cước, TP Sầm Sơn; lễ hội cầu ngư ở một số huyện ven biển; Lễ hội Mường Ca Da, huyện Quan Hóa; Lễ hội Mường Xia, huyện Quan Sơn…). Cùng với đó, hệ thống văn hóa phi vật thể xứ Thanh hết sức đa dạng và đặc sắc với các trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ như trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, hát múa Đông Anh… Ngoài ra, Thanh Hóa hội tụ không gian văn hóa của 7 dân tộc anh em gồm Kinh, Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú với những giá trị văn hóa đặc sắc, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch văn hóa.
Đến Thanh Hóa, du khách còn biết đến nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng nghề chế tác đá núi Nhồi (TP Thanh Hóa), nghề làm chiếu cói (huyện Nga Sơn), nghề Mộc Đạt Tài (huyện Hoằng Hóa), nghề làm nước mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), nghề dệt nhiễu Hồng Đô, nghề đúc đồng Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa), nghề dệt thổ cẩm (huyện Quan Hóa)…
Ẩm thực cũng là một trong những nét đẹp văn hóa hấp dẫn. Không cầu kỳ, kiểu cách trong nguyên liệu, cách chế biến nhưng hương vị món ăn của xứ Thanh vẫn mang nét đặc trưng không thể chối từ. Nem chua, bánh gai Tứ Trụ, phi cầu Sài, gỏi nhệch, chả tôm, bánh răng bừa, bánh cuốn, cháo lươn, bánh khoái… gợi thương gợi nhớ trong lòng những đứa con xa quê, bịn rịn bước chân du khách.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Du lịch văn hóa, bên cạnh du lịch sinh thái – cộng đồng và du lịch biển, luôn được xác định là 1 trong 3 sản phẩm du lịch mũi nhọn của Thanh Hóa, theo đó tập trung nguồn lực hình thành hệ thống sản phẩm theo các chủ đề như: tìm hiểu lịch sử – di sản, văn hóa – tâm linh, du lịch lễ hội; phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán, lối sống, ẩm thực…
Để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế ấy, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa nhằm khai thác, phục vụ phát triển du lịch để sớm tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển du lịch tại các di tích trọng điểm đã được phê duyệt.
Tiếp tục thực hiện công tác sưu tầm, khôi phục các trò chơi, trò diễn, dân ca dân vũ, các lễ hội, diễn xướng dân gian…; sưu tầm, thống kê, phân loại và đánh giá các di tích và giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể, làm cơ sở cho việc ưu tiên đầu tư bảo tồn, khôi phục, giữ gìn, phát huy phục vụ cho phát triển du lịch. Song song với đó, tỉnh tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm làm tổn hại đến di tích.
Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật (giao thông, hệ thống nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, khu đón tiếp, biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu…) tại các di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận tài nguyên du lịch văn hóa, tâm linh.
Chủ động, tích cực huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch tại các di tích trọng điểm, đặc biệt đầu tư vào các loại hình vui chơi, giải trí, đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Bên cạnh việc tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và hình thành các tour, tuyến kết nối với các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh.
Xây dựng môi trường văn hóa cho các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh. Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch của địa phương. Quản lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường; an ninh, trật tự, chấn chỉnh các hành vi biến tướng, trá hình, xâm hại văn hóa để tránh ảnh hưởng đến môi trường văn hóa; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch tâm linh; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động du lịch tại các điểm đến du lịch văn hóa. Trong đó, quan tâm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên tại các di tích lịch sử, áp dụng các phần mềm công nghệ (du lịch thực tế ảo, thuyết minh tự động) nhằm đa dạng hóa các hình thức hướng dẫn khách du lịch…
Hoàng Linh