Hội tụ đầy đủ các điều kiện, từ cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đến truyền thống văn hóa, lịch sử với bản sắc riêng, nên TP Thanh Hóa được định vị là một địa phương đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh và cả nước. Theo phân vùng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ, gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang du lịch Đông – Tây.
Người dân đến tham quan và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Công viên Hội An.
Nhằm nâng tầm “ngành công nghiệp không khói” và biến tiềm năng thành những giá trị kinh tế lớn lao, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thanh Hóa đã tách chương trình trọng tâm về “Phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và các loại hình có giá trị gia tăng cao” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 thành 2 chương trình, gồm: Chương trình “Phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao giai đoạn 2021-2025” và Chương trình “Phát triển du lịch TP Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030”. Để cụ thể hóa, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành các kế hoạch về “Phát triển du lịch TP Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025” và “Phát triển sản phẩm du lịch TP Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025”. Đồng thời, bắt tay vào kiến tạo bộ “xương sống” cho du lịch, đó là rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện các quy hoạch và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch.
Theo báo cáo của UBND TP Thanh Hóa, từ năm 2021 đến nay, thành phố có 10 dự án quy hoạch liên quan đến du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch về điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố, phục vụ dự án Đền thờ Dương Đình Nghệ và dự án Chùa Báo Ân, xã Thiệu Vân; khu du lịch phía Bắc hồ Kim Quy thuộc Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng; dự án cải tạo Công viên văn hóa Hội An; quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố và 6 dự án về di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp do các phường, xã làm chủ đầu tư. Sự chủ động của TP Thanh Hóa trong việc lập quy hoạch, xây dựng các dự án đã tạo ra môi trường thông thoáng, hấp dẫn thu hút các chủ đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Trong hơn 2 năm qua, thành phố đã huy động mọi nguồn lực kết hợp với nguồn vốn ngân sách của nhà nước để tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch. Đáng kể nhất, từ nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ và ngân sách địa phương, TP Thanh Hóa đầu tư các dự án, như: Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại đê sông Mã; điểm đón tiếp khách du lịch tại cầu Hàm Rồng, động Long Quang; đường hoa từ chân cầu Hàm Rồng đến động Tiên Sơn; bảo tồn và xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng làng cổ Đông Sơn; cải tạo nâng cấp khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; cải tạo, chỉnh trang điện chiếu sáng, điện trang trí cầu Hàm Rồng và cầu Hoàng Long; cải tạo, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng các tuyến đường khu vực Quảng trường Hàm Rồng, Tượng đài Thanh niên xung phong chiến thắng… với tổng kinh phí hơn 270 tỷ đồng. Nhờ đó mà hạ tầng du lịch của thành phố hiện nay được cải thiện, các dự án đầu tư du lịch phát triển cả về số lượng và quy mô.
Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa còn huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố có 6 di tích được tu bổ, phục dựng và chống xuống cấp, gồm: di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Dương Đình Nghệ, phường Thiệu Dương; di tích lịch sử văn hóa chùa Báo Ân, xã Thiệu Vân; di tích lịch sử văn hóa chùa Long Khánh, phường Long Anh; di tích lịch sử Đình – Đền Quan Nội, phường Long Anh; miếu Đệ Nhị, phường Hàm Rồng; di tích chùa Quan Thánh thuộc khu di tích danh thắng cảnh núi An Hoạch, phường An Hưng, với tổng kinh phí từ nguồn kinh phí xã hội hóa gần 130 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến tháng 6-2023, lượng khách du lịch đến thành phố đạt 5,335 triệu lượt người; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2020. |
Đi liền với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, trong hơn 2 năm qua, thành phố đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng. Nổi bật là triển khai hiệu quả các đề án “Bảo tồn và phát huy trò chơi trò diễn dân gian trên địa bàn TP Thanh Hóa”, “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn”.
Cùng hệ thống di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng, các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống đang trở thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, thu hút khách du lịch đến với TP Thanh Hóa. Thành phố cũng chú trọng phát triển nhiều sản phẩm du lịch sinh thái. Những cái tên như Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc, Khu du lịch sinh thái động Tiên Sơn; khu chạm khắc đá Nhồi, phường An Hoạch; làng trồng hoa Đông Cương… đang tạo cho TP Thanh Hóa thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng và cách làm bài bản của chính quyền, du lịch của thành phố đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Từ năm 2021 đến tháng 6-2023, lượng khách du lịch đến thành phố đạt 5,335 triệu lượt người; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2020. Những kết quả trong hơn 2 năm Chương trình “Phát triển du lịch TP Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030” đang là tiền đề vững chắc để TP Thanh Hóa tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để nâng tầm ngành du lịch thành phố theo hướng bền vững, có thương hiệu, mang đậm chất bản sắc văn hóa địa phương. Đồng thời, đến năm 2025, du lịch thành phố là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa.
Bài và ảnh: Trần Thanh