Với lợi thế sẵn có về tài nguyên du lịch cùng sự thay đổi nhanh chóng về hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, sản phẩm… là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến trình “nâng hạng” du lịch xứ Thanh trên bản đồ du lịch quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, du lịch Thanh Hóa còn nhiều hạn chế cần nhanh chóng tháo gỡ để đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn sở hữu hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại.
Trong những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa có sự phục hồi và tăng trưởng tốt, vươn lên trở thành một trong những địa phương trong cả nước thu hút nguồn khách lớn. Tiếp đà tăng trưởng đó, từ đầu năm 2024 đến nay, du lịch của tỉnh tiếp tục ghi nhận sự bứt phá cả về lượng khách và doanh thu. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, tiêu biểu là sản phẩm du lịch đêm và vui chơi, giải trí đẳng cấp.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 7 tháng năm 2024 toàn tỉnh đã đón gần 13 triệu lượt khách, tổng doanh thu ước đạt gần 28 nghìn tỷ đồng. Với con số ấn tượng này, Thanh Hóa tiếp tục là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lượng khách so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó cho thấy hướng đi đúng đắn và tiềm năng rộng mở để “nâng hạng” cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh trong thời gian tới.
Mặc dù lượng khách đến Thanh Hóa đang có đà tăng trưởng tốt, song thẳng thắn nhìn nhận thực tế vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: dòng khách du lịch phân khúc cao cấp và khách du lịch quốc tế còn hạn chế; nhiều khu, điểm du lịch còn thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch trải nghiệm; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao… Đặc biệt, các đường bay đi – đến từ Cảng Hàng không Thọ Xuân bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng thị trường khách du lịch của tỉnh.
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu so với các địa phương trong khu vực, du lịch Thanh Hóa đang có rất nhiều lợi thế khi sở hữu hệ thống giao thông thuận tiện, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các phân khúc khách hàng, sản phẩm du lịch đa dạng. Tuy nhiên, để tạo nên lợi thế cạnh tranh, hút được dòng khách có khả năng chi tiêu cao từ các thị trường trọng điểm, không chỉ cần phát triển thêm sản phẩm du lịch mới, mà sản phẩm phải thực sự đặc sắc, chuyên nghiệp, đồng bộ, chất lượng dịch vụ cao. Ông Lê Xuân Thuận, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Lữ hành TP Thanh Hóa cho biết: “Trước mắt, cần tập trung nâng tầm sản phẩm du lịch đêm, mang đến cho du khách những không gian trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn, với đa dạng dịch vụ. Để làm được điều đó, tỉnh cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là các chính sách ưu tiên về nguồn vốn, thuế… nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển dịch vụ du lịch đêm. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần tiếp tục tổ chức có hiệu quả các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch điểm nhấn, nhằm thu hút du khách và nâng tầm thương hiệu du lịch. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành lựa chọn ra các sự kiện đặc sắc, có sức hút lớn để đưa vào tour phục vụ du khách trong những năm tiếp theo”.
Để đáp ứng sự kỳ vọng, mong muốn của du khách và xu thế tất yếu trong phát triển – đó là sự đổi mới toàn diện từ số lượng đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, ngành du lịch của tỉnh đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch; đổi mới cách tiếp cận thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong việc nâng cấp, đưa vào khai thác sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao; hưởng ứng mạnh mẽ các hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch để nâng tầm thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa”. Hướng tới mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 32,387 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Thị Hải Yến, cho biết: “Chúng ta tự hào là hoạt động du lịch đã, đang có mức tăng trưởng nhanh, song kết quả đạt được chưa thực sự phản ánh đúng tiềm năng, thế mạnh vốn có. Với mức tăng trưởng khá về lượng khách và doanh thu trong thời gian qua là tín hiệu tốt, dành được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch trong nước. Nhiều khu vui chơi, giải trí như Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa), Công viên nước Sun World Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) và phố đi bộ Phan Chu Trinh (TP Thanh Hóa) đã được đưa vào khai thác, phục vụ khách. Đáng chú ý, hệ thống quy hoạch các khu, điểm du lịch không ngừng được cập nhật, điều chỉnh nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường và ý tưởng đầu tư. Tính đến nay, toàn tỉnh thu hút được 83 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 146 nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch Thanh Hóa có thêm cơ hội “nâng hạng” trong thời gian tới và thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước”.
Bài và ảnh: Lê Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nang-hang-cho-du-lich-thanh-hoa-221106.htm