Nhiều năm gần đây công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh được quan tâm đặc biệt. Sự vào cuộc quyết liệt trong công tác chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các địa phương với ngành điện và các đơn vị liên quan chặt chẽ hơn đã mang lại những chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vi phạm và hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn, tái diễn, vai trò của các địa phương cần được chú trọng hơn nữa.
Điện lực Quan Sơn phối hợp với chính quyền địa phương chặt tỉa cây trong hành lang an toàn điện.
Theo số liệu từ Công ty Điện lực Thanh Hóa, trong năm 2023 các điện lực trực thuộc đã phối hợp với các địa phương chặt tỉa gần 60.000 cây trong và ngoài hành lang, đạt 108% kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao. Chính quyền các địa phương cũng đã phối hợp với nhà thầu thi công dự án thực hiện di dời cột điện, đường dây ra khỏi 10 mặt bằng, kết hợp với công tác đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp lưới điện. Từ đó, ngành điện đã xử lý được 1 vị trí vi phạm hành lang, 11 vị trí khoảng cách pha – đất. Kết quả đạt được trong công tác giảm thiểu vi phạm hành lang lưới điện đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng; đồng thời giảm sâu số vụ sự cố lưới điện do vi phạm hành lang, giảm số vụ tai nạn điện trong dân.
Tuy nhiên, theo rà soát mới nhất của Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh tháng 4/2024, toàn tỉnh vẫn tồn tại 137 vụ vi phạm về hành lang điện, 141 vị trí vi phạm khoảng cách pha – đất, 1.387 khoảng cột tồn tại cây có nguy cơ gây sự cố với số lượng khoảng 19.006 cây các loại. Ngoài ra, toàn tỉnh còn 1.592 nhà ở, công trình có người sinh sống, làm việc bên trong được tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tuy không được cơi nới, mở rộng, nhưng đây là những nơi có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh về vi phạm hành lang, gây mất an toàn trong vận hành và sự cố lưới điện. Một số địa phương còn tồn tại nhiều vi phạm chưa xử lý dứt điểm, như: khu vực Như Thanh – Như Xuân tồn tại 15 vi phạm hành lang; 24 vi phạm về khoảng cách pha đất; 97 nhà ở, công trình tồn tại trong hành lang. Khu vực Ngọc Lặc – Lang Chánh còn tồn tại 35 vi phạm hàng lang; 1 vi phạm về khoảng cách pha đất; 457 vi phạm nhà ở, công trình tồn tại trong hành lang. Khu vực Nông Cống còn 30 vụ vi phạm hành lang; 1 vi phạm về khoảng cách pha đất và 123 vi phạm nhà ở, công trình tồn tại…
Về cây cối vi phạm hành lang, một số hộ dân ở nhiều địa phương vẫn chưa tự giác chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc chặt tỉa cây trong, ngoài hành lang có nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện mặc dù đã được hỗ trợ, bồi thường. Đặc biệt, tình trạng này xảy ra ở một số địa phương có các tuyến đường dây 110kV đi qua như: phường Trúc Lâm, Phú Lâm, Tân Trường, Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn); xã Thăng Long (Nông Cống); Yên Thọ, Bến Sung, Hải Long, Xuân Khang (Như Thanh); xã Bình Lương (Như Xuân)…
Nhiều địa phương cũng chưa cương quyết trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm hành lang, dẫn đến người dân vẫn tái trồng cây phát triển nhanh trong hành lang mặc dù đã được đền bù, hỗ trợ hành lang theo quy định. Điển hình như một số địa phương có số lượng cây trong và ngoài hành lang cần chặt tỉa với số lượng lớn, như: khu vực huyện Triệu Sơn còn 1.142 cây trong hành lang và 1.914 cây ngoài hành lang; khu vực huyện Như Thanh – Như Xuân còn 649 cây trong hành lang và 3.474 cây ngoài hành lang; khu vực Cẩm Thủy còn 1.047 cây trong hành lang và 49 cây ngoài hành lang; khu vực huyện Nông Cống còn 1.567 cây trong hàng lang và 276 cây ngoài hành lang…
Cùng với đó, tình trạng người dân tự ý khai thác cây ở gần đường dây điện cao áp nhưng không thông báo cho đơn vị quản lý, vận hành để được hướng dẫn và phối hợp thực hiện các biện pháp an toàn vẫn xảy ra, mặc dù ngành điện đã thông báo và niêm yết số điện thoại liên lạc tại những khoảng cột có cây nguy cơ đổ vào đường dây. Tại các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Đông Sơn, thị xã Nghi Sơn, trong năm 2023 đã xảy ra các trường hợp này nên đã để cây đổ va quẹt vào đường dây gây sự cố lưới điện.
Về vi phạm khoảng cách pha – đất cũng tiếp tục còn tồn tại khi các nhà thầu san lấp mặt bằng khu dân cư, cụm công nghiệp, các dự án đường giao thông đã làm giảm khoảng cách an toàn giữa dây dẫn với mặt đất so với hiện trạng thiết kế ban đầu, dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định nhưng chưa được xử lý. Điển hình như tại vị trí khoảng cột số 44 – 46 đường dây 176 E9.2 Ba Chè – 171 E9.27 Tây TP Thanh Hóa thuộc địa phận xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, chủ đầu tư dự án khu dân cư mới khi thi công mặt bằng đã không đáp ứng yêu cầu khi đường dây 110kV đi trên không qua khu vực dân cư. Phương án khắc phục sẽ phải cải tạo đường dây, nâng cao khoảng cách pha – đất hoặc di chuyển đường dây ra vị trí khác, tuy nhiên đến nay chưa xử lý được.
Cùng với đó, hiện nay tại nhiều địa phương, việc giao đất và cấp phép xây dựng công trình nhà ở tại một số địa phương cho các hộ dân chưa quan tâm đến công trình lưới điện hiện có, nên đã không trừ phần hành lang an toàn lưới điện hoặc không đưa ra điều kiện để hạn chế khả năng sử dụng đất, khoảng không gian giữa dây dẫn và công trình, nhà ở, dẫn đến nguy cơ phát sinh vi phạm trong thời gian tới. Một số nhà ở, công trình tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện trước đây đã được ngành điện xử lý không còn vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân tự ý cơi nới làm nhà ở, mái bình, mái chống nóng, lắp bình nước, năng lượng mặt trời, phơi quần áo… trong khoảng không gian giữa nhà ở, công trình đến đường dây điện. Việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho con người và nguy cơ cháy nổ, sự cố lưới điện.
Với những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn, dễ phát sinh về vi phạm hành lang an toàn lưới điện, ngoài đơn vị chuyên môn là ngành điện, chính quyền các địa phương cần nâng cao hơn trách nhiệm quản lý tại cơ sở. Cùng với các giải pháp tuyên truyền, vận động, cần có biện pháp ngăn chặn hoặc chế tài xử lý đối với các trường hợp cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang; tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khai thác cây trồng trong hàng lang điện. Cơ chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đối với các tập thể, cá nhân cố tình vi phạm hành lang an toàn lưới điện theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ cũng cần được áp dụng nghiêm khắc, đặc biệt là các trường hợp cố tình vi phạm hành lang trong thời gian gần đây.
Bài và ảnh: Tùng Lâm