Xác định tiêu chí thu nhập đóng vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí trong XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, vì vậy, các địa phương trong lộ trình về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Nông Cống đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân.
Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Vạn Lợi, xã Thăng Long, giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương.
Để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, xã Thăng Long (Nông Cống) đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng hiệu quả cao và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hàng hóa. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chuỗi cung ứng lúa gạo, diện tích 150 ha/vụ phục vụ làng nghề miến gạo Tân Giao; mô hình liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm lúa nếp hương, diện tích 150 – 200 ha/vụ với Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Cúc Phương (Ninh Bình); mô hình sản xuất lúa giống SV181 với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình (Quảng Bình)… Theo đó, giúp nâng cao giá trị canh tác của địa phương lên 135 – 140 triệu đồng/ha/năm, tăng từ 7 – 10% so với trước. Ông Nguyễn Viết Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Long cho biết: Tiêu chí thu nhập luôn được địa phương xem là tiêu chí quan trọng. Bởi, ngoài mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân còn giữ vai trò đòn bẩy, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và ngành nghề nông thôn cũng được địa phương coi trọng, phát triển. Ngoài 2 làng nghề miến gạo Tân Giao và miến dong Vạn Thành, trên địa bàn xã còn có 24 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động (riêng Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Vạn Lợi giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động), với mức thu nhập dao động từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ quan tâm, đa dạng hóa các loại hình kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của xã Thăng Long đã đạt 63,3 triệu đồng/người/năm.
Về đích NTM nâng cao năm 2021, xã Vạn Hòa đang phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu năm 2023. Ngoài tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, xã đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết, chuỗi giá trị. Ngoài liên kết với Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Cúc Phương (Ninh Bình), trồng lúa nếp hương, diện tích trên 90 ha/vụ, xã đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: mô hình trồng giống cây lâm nghiệp Vạn Thọ, mô hình trồng dưa trong nhà màng theo hướng công nghệ cao tại thôn Đồng Thọ; mô hình chăn nuôi gia trại tại thôn Tân Dân… Bên cạnh đó, các ngành nghề nông thôn và hoạt động tiểu thủ công nghiệp được địa phương quan tâm phát triển. Với 17 doanh nghiệp đang hoạt động và 242 hộ sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề như vận tải, xây dựng, mộc, cơ khí, chế biến nông sản, mây tre đan… đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động, với mức thu nhập dao động từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế, thu nhập của người dân Vạn Hòa hiện nay đạt trên 69 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện nâng cao. Đây tiếp tục là tiền đề quan trọng để mỗi người dân địa phương góp công, góp của sớm đưa Vạn Hòa trở thành xã NTM kiểu mẫu trong năm 2023.
Việc nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đặt ra đối với tất cả các địa phương trên địa bàn huyện Nông Cống. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đang chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Bài và ảnh: Minh Lý