Tỉnh Thanh Hóa hiện có 36 nghề, hơn 100 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đạt các tiêu chí theo quy định. Nhiều làng nghề đã khẳng định về chất lượng sản phẩm, nổi tiếng khắp cả nước, thậm chí được xuất khẩu ra nước ngoài. Tổng doanh thu của các làng nghề trong tỉnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 58.405 lao động.
Nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa.
Nghề rèn truyền thống xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) có từ lâu đời. Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất tại làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Được biết, xã Tiến Lộc hiện có 20 doanh nghiệp và trên 1.500 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào sản xuất nghề rèn truyền thống, với trên 3.000 lao động, chiếm 68,3% tổng số lao động trên địa bàn xã. Trước đây, các công đoạn sản xuất nghề rèn xã Tiến Lộc chủ yếu bằng thủ công, ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, máy móc đã dần được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ không còn vất vả như xưa. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động nay đã được máy móc thay thế như rèn bằng búa máy, sạt lưỡi bằng máy… Điển hình là Công ty TNHH Tinh Anh Thu, chuyên sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ kim loại thông dụng. Thời gian qua, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, công ty đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trung bình 1 năm công ty cung cấp ra thị trường khoảng gần 900.000 bộ sản phẩm các loại…
Cũng như nghề rèn xã Tiến Lộc, một số làng nghề, như: đồ mộc xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa); đồ đồng xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa); cói mỹ nghệ huyện Nga Sơn… cũng đã tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng và có thể xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh các làng nghề đổi mới công nghệ sản xuất, năng động trong tìm kiếm thị trường thì cũng không ít làng nghề gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, có nguy cơ bị mai một… Các làng nghề truyền thống khó có thể tồn tại nếu quá lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống, không quan tâm đến việc phải cải tiến, phát triển thị trường.
Ví như làng nghề nhiễu Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Vào thời điểm phát triển nhất của nghề, làng Hồng Đô có tới 300 khung dệt, 400 – 500 thợ dệt có tay nghề, sản phẩm xuất sang Lào, Trung Quốc và nhiều nước khác. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Hồng Đô không còn phát triển như xưa, số khung dệt, thợ dệt theo đó cũng giảm dần. Hiện tại, chỉ còn 20 hộ sản xuất, với hơn 100 lao động. Diện tích trồng dâu giảm chỉ còn khoảng 15 ha. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào nuôi tằm chưa được phổ biến rộng rãi, phương pháp nuôi trồng truyền thống không thể cạnh tranh trước sự phát triển của công nghiệp tơ tằm ở các nước lân cận. Vẫn biết rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng trước áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chỉ “tốt gỗ” thôi chưa đủ. Giữa các sản phẩm có chất lượng tương đương, giá thành cạnh tranh thì mẫu mã cũng là một yếu tố quyết định sản phẩm nào được lựa chọn. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có một số làng nghề truyền thống đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, như làng nghề cót ép ở xã Thọ Nguyên (Thọ Xuân), nghề mây tre đan ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương)…
Để phát triển bền vững các làng nghề, ngày 29-11-2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4182/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030″ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và ban hành các chính sách khôi phục, bảo tồn đối với làng nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới. Bên cạnh đó, lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của địa phương để quảng bá, giới thiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch gắn với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Cùng với đó, các địa phương cũng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cải tạo nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phục vụ sản xuất, như: đường giao thông, hệ thống thoát nước, điện, nước sạch, xây dựng trung tâm, điểm bán hàng, khu trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm, kho bãi…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, tổ chức các cuộc thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi… Quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bài và ảnh: Khánh Phương