Bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm tài chính “thân thiện, hiệu quả”, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa còn hướng tới mục tiêu phát triển cộng đồng bền vững thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn về quản lý tài chính cá nhân, quản trị doanh nghiệp vi mô, kỹ năng bán hàng… cho khách hàng là các hộ nghèo, thu nhập thấp, yếu thế, doanh nghiệp vi mô, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Cán bộ Tổ chức TCVM Thanh Hóa truyền đạt kiến thức kinh doanh trực tuyến trong khóa tư vấn chuyên sâu tổ chức tại xã Quảng Thạch.
Ngày nay, cùng với việc kinh doanh truyền thống thì kinh doanh dựa trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội đang là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng ven biển, miền núi, thì việc tiếp cận với kiến thức, kỹ năng để “hòa mình” vào không gian mạng, tham gia bán hàng trực tuyến còn nhiều hạn chế.
Là một tổ chức hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng, Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn xác định: Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đóng vai trò thiết yếu và góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và vấn đề giải quyết việc làm của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp MSME nói chung, doanh nghiệp vi mô, hộ buôn bán, kinh doanh nhỏ do phụ nữ làm chủ nói riêng luôn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển, trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế trong quản trị, cập nhật và ứng dụng công nghệ, tính kết nối thị trường… Từ việc nắm bắt được xu hướng và những khó khăn của các đối tượng khách hàng này, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời, góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức về việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên môi trường số, từ đó giúp doanh nghiệp vi mô, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ tăng doanh thu, không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc số hóa toàn cầu.
Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã tích cực tham gia kết nối với các tổ chức nước ngoài có cùng mục tiêu phát triển cộng đồng như Quỹ Châu Á (TAF), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), Payoneer, Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam…, hướng tới đối tượng là phụ nữ buôn bán nhỏ, nữ doanh nhân khởi nghiệp để xây dựng các chương trình, lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị, kỹ năng tư vấn, bán hàng cho các nhóm đối tượng này. Dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi” (AMB) đã và đang triển khai thực hiện là minh chứng sinh động.
AMB là dự án do Quỹ châu Á (TAF), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) tổ chức; Tổ chức TCVM Thanh Hóa là đối tác triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Dự án AMB hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức tài chính, kinh doanh và kỹ thuật số nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang phát triển của Việt Nam ở những vùng có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng thiếu điều kiện, khả năng tiếp cận kiến thức, kỹ năng cần thiết để phát triển và số hóa kinh doanh. Dự kiến khoảng 10 nghìn nữ doanh nhân vi mô, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ được tiếp cận với kiến thức, kỹ năng để quản lý tốt công việc kinh doanh, mở rộng mạng lưới hoạt động và phát triển doanh số dựa trên việc bán hàng trực tuyến.
Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả được triển khai trong khuôn khổ dự án như: Tư vấn hỗ trợ nữ doanh nhân, hộ buôn bán nhỏ truy nhập vào hệ thống bài giảng do dự án cung cấp để tham gia các khóa học phù hợp với từng đối tượng. Sau các khóa học, học viên sẽ được tham gia các lớp tư vấn chuyên sâu để giúp họ hiểu rõ hơn và áp dụng những kiến thức đã học được vào công việc kinh doanh thực tế. 10% trong số họ được tư vấn chuyên sâu với hình thức có chuyên gia tư vấn trực tiếp. Những học viên có tinh thần học hỏi, tích cực áp dụng vào phát triển tốt công việc kinh doanh sẽ được hỗ trợ thêm về công cụ làm việc, tham gia các lớp nâng cao để có thể phát triển tốt hơn nữa.
Trong khuôn khổ những hoạt động, mới đây Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã tổ chức khóa tư vấn chuyên sâu về tăng doanh thu từ việc phát triển kinh doanh thương mại điện tử với sự tham gia của 30 học viên tại xã Quảng Thạch (Quảng Xương). Khóa tư vấn còn có sự tham gia của hội phụ nữ, chính quyền địa phương. Giảng viên là các chuyên gia của Tổ chức TCVM Thanh Hóa với kinh nghiệm 10 – 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính. Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Quảng Thạch, cho biết: “Khóa tư vấn mà TCVM Thanh Hóa cung cấp có nội dung rất gần gũi, hữu ích, cách truyền đạt dễ nhớ, dễ hiểu, giúp tôi học hỏi được nhiều kiến thức mới”.
Theo đó, khóa tư vấn tập trung vào các nội dung cụ thể như: Giới thiệu tầm quan trọng của việc mở rộng kinh doanh trực tuyến; các sàn thương mại điện tử hiện nay, ưu nhược điểm từng loại và cách thức lựa chọn giải pháp phù hợp cho từng mô hình kinh doanh cụ thể; cách tạo gian hàng trên Shopee; các loại phí, thuế phải nộp khi tham gia bán hàng trên Shopee; cách bán hàng trên facebook, zalo; làm thế nào để có một buổi live stream chốt đơn hiệu quả; cách chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh sản phẩm tăng sức hấp dẫn với khách hàng; cách thêm logo, chữ vào ảnh sản phẩm để nâng cao thương hiệu; kỹ năng chăm sóc khách hàng; bảo mật dữ liệu thông tin và an toàn trên môi trường số…
Chị Lê Thị Vân ở xã Quảng Thạch, bộc bạch: “Tôi đã từng đăng bán sản phẩm trên facebook nhưng do chưa có kiến thức, kinh nghiệm nên không có hiệu quả. Sau khóa tư vấn, tôi có thêm hiểu biết, từ đó thêm quyết tâm hơn với việc tham gia bán hàng trực tuyến và có các chương trình thu hút khách hàng tốt hơn”.
Được biết, từ nay đến năm 2025 Tổ chức TCVM Thanh Hóa sẽ tổ chức 20 khóa tư vấn chuyên sâu trở lên cho khách hàng là hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ. Những kiến thức, lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia tài chính sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ nâng cao năng lực, từng bước tháo gỡ khó khăn, hướng tới sự phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nang-cao-ky-nang-ban-hang-tren-moi-truong-so-cho-ho-kinh-doanh-doanh-nghiep-vi-mo-do-phu-nu-lam-chu-224248.htm